HTX Chợ Bến đang là một trong những điển hình về phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn xã An Ngãi, huyện Long Điền. Ngoài sản xuất muối truyền thống, các thành viên HTX đang mở rộng nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 11ha, một năm nuôi 3 vụ.
Tạo khác biệt nhờ công nghệ
Để nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ cho thành viên, HTX Chợ Bến đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản lượng tôm nguyên liệu với giá ổn định.
HTX cũng xây dựng kế hoạch nuôi tôm, sản xuất muối kết hợp với phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tận dụng lợi thế vị trí thuận lợi, thu hút khách du lịch nhằm phát triển HTX ổn định, bền vững. Mỗi năm, HTX có thể sản xuất 3 vụ tôm, trung bình mỗi ao nuôi thu hoạch từ 2-2,5 tấn tôm.
Nhờ hoạt động ổn định, hình thành chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế vượt trội, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của HTX Chợ Bến thời gian qua được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất tiêu biểu ở Long Điền, giúp các thành viên, nông dân liên kết có thu nhập cao.
Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản là thế mạnh ở Long Điền. |
Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX, cho biết HTX đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mô hình nuôi tôm an toàn sinh học CP.Biotic Farming. Mô hình này kiểm soát tốt môi trường nước, ngăn ngừa bệnh gây hại, rút ngắn thời gian nuôi, lợi nhuận thu về khoảng 30% trên tổng doanh thu.
Bên cạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, trên địa bàn huyện Long Điền còn xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt. Điển hình như mô hình trồng rau an toàn của HTX Rau an toàn Thắng Lợi, xã Phước Hưng.
Nhờ ứng dụng sản xuất hiện đại, mô hình của HTX Thắng Lợi đang phát huy hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập. Đây cũng là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới phun tự động đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện.
Những cánh đồng hiện đại
Hiện, HTX Thắng Lợi đang canh tác trên tổng diện tích hơn 6ha, với các loại rau ăn lá và củ quả chủ lực. Trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán cho thương lái từ 1-2 tấn rau xanh các loại.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX, từ khi lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới phun tự động vào năm 2019, chi phí tiền điện, tiền nhân công giảm cả chục triệu đồng/tháng. Công nghệ này rất dễ sử dụng, lượng nước tưới cho cây vừa đủ và đều giúp cây trồng phát triển tốt hơn nhiều so với cách tưới thủ công.
Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư nhà lưới để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, sử dụng các loại chế phẩm sinh học… nên chất lượng cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống.
“Mô hình trồng rau an toàn đã làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, giúp họ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân đến chăm sóc, quản lý dịch hại”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Long Điền đang đẩy mạnh công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. |
Tương tự, HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh, thị trấn Long Điền cũng đang tìm hướng đi riêng bằng việc đầu tư thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật và cơ giới hóa trong sản xuất lúa, cung cấp dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Ông Dương Lý Dũng, Giám đốc HTX Lá Xanh cho biết, trước đây, bà con các xã An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước và thị trấn Long Điền chủ yếu canh tác sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, mật độ gieo sạ quá dày dễ gây ra nhiều sâu bệnh, năng suất kém. Khắc phục những hạn chế trên, đầu năm 2023, HTX Lá Xanh ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy lúa đưa vào sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa.
“Khâu làm giá thể mạ khay giữ vai trò rất quan trọng, quyết định năng suất đến 80%, bởi phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật, ít ảnh hưởng đến các yếu tố thời tiết. Trung bình một chiếc máy cấy có thể cấy được 7-10ha/ngày, tạo độ đồng đều khoảng cách giữa các hàng cố định 30cm và khoảng cách cây từ 12-21cm”, ông Dũng thông tin.
Nâng cao giá trị gia tăng
Đến nay, toàn huyện Long Điền có 15 HTX và 127 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; thương mại dịch vụ, du lịch… Trong đó, nhiều HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: HTX Chợ Bến, HTX Lá Xanh, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt, HTX Rau an toàn Thắng Lợi…
Các HTX mới thành lập đang dần có định hướng phát triển theo xu hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển đa dạng ngành nghề, mở rộng lĩnh vực hoạt động. Một số HTX đã chủ động đăng ký xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm OCOP.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Long Điền, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trên địa bàn huyện bước đầu tạo được nguồn nông sản hàng hóa sạch, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thời gian tới, để hoạt động kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX ngày càng phát huy hiệu quả, huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh và tham mưu UBND huyện triển khai chính sách hỗ trợ, tạo đà cho các HTX liên kết, phát triển sản xuất kinh doanh; đặc biệt là khuyến khích, hỗ trợ các HTX đẩy mạnh ứng dụng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Cùng với nông lâm ngư nghiệp, thời gian qua, huyện Long Điền với lợi thế là huyện ven biển của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu - nơi được quy hoạch phát triển là một trong 21 khu du lịch trọng điểm quốc gia, đang chủ động phát triển du lịch.
Huyện Long Điền đã được người dân, du khách biết đến là địa phương phát triển mạnh về du lịch, kinh tế biển, khai thác đánh bắt thủy sản với thị trấn Long Hải, lễ hội Dinh Cô Long Hải. Cạnh đó, xã Phước Tỉnh cũng là nơi từng được biết đến với tên gọi “Làng chài tỷ phú”. Chính vì vậy, khu vực kinh tế hợp tác cũng đã và đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng ngành "công nghiệp không khói" này.
Lệ Chi