Với định hướng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, lĩnh vực trồng trọt ở Triệu Phong đang tập trung trọng điểm vào những cây trồng chủ lực là lúa, dưa hấu và hoa màu, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các loại cây, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người sản xuất.
Dấu ấn từ liên kết
Kể từ năm 2015 đến nay, huyện Triệu Phong đã đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với sản phẩm chủ lực là lúa hữu cơ để sản xuất gạo mang thương hiệu "Gạo sạch Triệu Phong" đang ngày càng nổi tiếng trong và ngoài nước.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ được triển khai theo phương thức canh tác tự nhiên tại 4 xã Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài và Triệu Trạch. 100% diện tích được HTX Nông sản sạch Triệu Phong và doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm.
Trong đó, hơn 11ha ruộng của HTX Nông sản sạch Triệu Phong đã được công nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc gia. Ngoài ra, huyện còn phối hợp các doanh nghiệp sản xuất 122ha lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Liên kết cùng tham gia HTX giúp nông dân Triệu Phong có thêm điểm tựa phát triển, nâng cao hiệu quả. |
Không chỉ là những trường hợp đơn lẻ, trong quá trình thúc đẩy phát triển trồng trọt theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường trên địa bàn huyện Triệu Phong, vai trò của các HTX, tổ hợp tác được thể hiện rõ nét.
Đơn cử, ở xã Triệu Trạch, dưới sự dẫn dắt của HTX, mô hình trồng sen kết hợp nuôi thả cá cho thu nhập khá cao, giá trị đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Các HTX cũng là nòng cốt để xã xây dựng các vùng rau màu có hiệu quả cao, với tổng diện tích hiện đạt trên 12 ha.
Hay trong quá trình xây dựng dưa hấu thành sản phẩm thế mạnh của địa phương, xã Triệu Trạch đã chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn tại các HTX Linh An, Long Quang, Vân Tường với diện tích 145 ha.
Điển hình như HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Long Quang hiện đang có 237 thành viên, trong đó 185 thành viên tham gia trồng dưa hấu, tổng diện tích khoảng 22 ha/2 vụ/năm.
Với sản lượng bình quân đạt 2,5 tấn/ha, giá bán trung bình 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhờ trồng dưa hấu, nhiều hộ có mức thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm, đặc biệt có một số hộ thu nhập lên đến 100 - 150 triệu đồng/năm.
Hiệu quả từ công nghệ cao
Tương tự, tại xã Triệu Hòa, hiểu được giá trị của nông nghiệp sạch, các thành viên HTX An Lộng đã đi đến quyết định thực hiện trồng lúa hữu cơ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững.
Trên diện tích 10 ha lúa, thời gian qua, HTX không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng năng suất vụ xuân vẫn đạt trên 2 tạ/sào, vụ mùa 1,7-1,9 tạ/sào. Người dân bắt được cá, cua ở đồng về phục vụ bữa ăn hàng ngày mà không phải lo lắng về chất lượng thực phẩm.
Có được điều trên là do HTX An Lộng đã thực hiện kỹ thuật cấy máy, ủ phân hữu cơ, đồng thời cán bộ kỹ thuật của HTX còn phối hợp với UBND xã để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ.
Ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa giúp HTX, nông dân Triệu Phong nâng cao năng suất lao động. |
Có thể thấy, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều mô hình sản xuất nông sản theo hướng sạch gắn với ứng dụng khoa học công nghệ đã được nông dân trên địa bàn huyện Triệu Phong tích cực áp dụng và bước đầu đem lại hiệu quả.
Năm 2023 là năm thứ 2, HTX Đại Hào, xã Triệu Đại tiếp tục liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ. Nhờ ứng dụng gieo sạ và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, 12 ha lúa của HTX đang phát triển tốt.
70% các khâu canh tác trên cánh đồng của HTX đang được cơ giới hóa, với những loại máy móc hiện đại, góp phần giảm công lao động, tăng năng suất. Đặc biệt, toàn bộ lúa sau thu hoạch đã được doanh nghiệp bao tiêu tại chân ruộng với giá cao hơn 30 - 40% so với sản xuất thông thường.
Theo lãnh đạo UBND xã Triệu Đại, ưu điểm của mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên là hoàn toàn không sử dụng thuốc, phân bón hóa học mà chỉ sử dụng các loại chế phẩm và thuốc thảo mộc nên không chỉ an toàn cho nông dân trực tiếp sản xuất mà còn an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Chìa khóa thành công
Để có được những thành công hiện tại, các địa phương trên địa bàn huyện Triệu Phong đã tích cực xây dựng các vùng sản xuất tập trung, trong đó vùng sản xuất lúa đóng vai trò chủ lực. Hằng năm, huyện gieo trồng hơn 12.000 ha lúa, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm 80%, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha.
Huyện cũng sớm hình thành và phát triển một số mô hình sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm như mô hình sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên không dùng phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ tại 4 xã: Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch với diện tích 60 ha do HTX Nông sản sạch Triệu Phong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ dân, HTX đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, công nghệ cao đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh. Hiện nay, toàn huyện có 55 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại theo Luật Chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi đã được chứng nhận VietGAP.
Thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, trong đó mở rộng mô hình kinh tế hiệu quả, kêu gọi HTX, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển sản xuất bền vững, đồng thời chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Huyện cũng dự kiến tiếp tục xây dựng, phát triển tổ hợp tác, HTX theo mô hình kinh doanh đa ngành, mở rộng loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, đồng thời sử dụng đất đai hiệu quả thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời quan tâm, hỗ trợ HTX, tổ hợp tác tập trung vào sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất sạch, an toàn và nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.
Mỹ Chí