Dệt thổ cẩm, đan lát… là những nghề truyền thống gắn liền với đồng bào dân tộc thiểu số ở Con Cuông. Tuy nhiên, có thời gian, những ngành nghề này gặp khó khăn về nguyên liệu, đầu ra, nguồn lao động nên chỉ “dậm chân tại chỗ”.
Thăng hoa nghề truyền thống
Từ khi thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, Con Cuông xác định phát triển nghề truyền thống là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế, tận dụng thế mạnh của địa phương để giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Cụ thể như tại làng nghề mây tre đan bản Diềm (xã Châu Khê) có 153 hộ đồng bào Thái và Đan Lai sinh sống. Thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, cơ quan quản lý địa phương đã tạo điều kiện cho người dân thành lập HTX mây tre đan bản Diềm.
Được sự đầu tư về vốn, tay nghề, đầu ra, các sản phẩm mây tre đan của HTX đã rời khỏi chợ quê, từng bước tìm đến các thị trường Hà Nội, TP HCM, Nhật, Đức, Pháp... Từ việc sản xuất các sản phẩm gia dụng thuần tuý, HTX Mây tre đan Bản Diềm đã sản xuất các sản phẩm đồ lưu niệm, trang trí phục vụ khách du lịch.
Phát triển nghề truyền thống giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. |
Các thành viên trong HTX cũng không ngừng sáng tạo ra những mẫu mã, hoa văn họa tiết mới, màu sắc độc lạ trên các sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ… để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Với nghề mây tre đan, mỗi thành viên HTX (chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ đơn thân, sức khỏe yếu, không thể tham gia việc đồng áng, nương rẫy) có thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Khi bắt đầu tham gia 8/54 hộ gia đình ở HTX là hộ nghèo nhưng đến nay đã có 6 gia đình thoát nghèo… Trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, HTX vẫn đảm bảo thu nhập cho thành viên 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng phát triển nghề mây tre đan, người dân thôn Khe Choăng (xã Châu Khê) đã nâng cao được thu nhập nhờ tham gia HTX Trà Lân Con Cuông để biến trúc, tre thành sản phẩm mỹ nghệ. Nhờ năng động tìm đầu ra và sáng tạo trong ý tưởng sản xuất, HTX tạo việc làm cho 15 lao động (trong đó có 7 lao động lành nghề, 3 người khuyết tật), với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng.
Ngoài nghề mây tre đan, Con Cuông còn phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tiêu biểu như bà con đồng bào dân tộc Thái ở bản Xiềng (xã Môn Sơn) đã xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm với sự dẫn dắt của HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn.
Đến nay, HTX đã thu hút được 40 hộ tham gia và đi vào sản xuất ổn định, bước đầu đem lại thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng người/tháng. Cùng với đó, sản phẩm làm ra cũng không ngừng tăng về số lượng. Trung bình mỗi năm, bà con sản xuất trên 13.000 sản phẩm các loại để cung cấp cho thị trường.
Khẳng định hướng đi bền vững
Những năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân giảm nghèo từ nghề truyền thống, huyện Con Cuông đã không ngừng đẩy mạnh công tác bảo tồn, duy trì và phát huy hiệu quả vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong việc liên kết người dân cùng sản xuất, xóa bỏ tình trạng mạnh ai người ấy làm.
Đặc biệt, thông qua việc thành lập các HTX, THT, những mô hình này đã thu hút các chương trình, dự án như Dự án VE028, chương trình 135 mở các lớp đào tạo nghề truyền thống; hình thành nên các HTX trong làng nghề như mây tre đan Châu Khê, dệt thổ cẩm Môn Sơn, rượu cần Mậu Đức…
Bên cạnh đó, huyện cũng đã tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm… Đặc biệt với lợi thế phát triển du lịch, thời gian gần đây, các HTX và THT nghề truyền thống còn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giúp các HTX xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập.
Thực tiễn cho thấy do với các ngành nghề khác, mức thu nhập từ những nghề truyền thống tuy chưa cao nhưng lại không kén người làm. Khi bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống giúp giải quyết công việc cho người dân lúc nông nhàn, người quá tuổi lao động.
Việc phát triển các ngành nghề truyền thống và xây dựng các HTX ở huyện Con Cuông trong thời gian gần đây đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng. Tuy vậy, trong xu thế phát triển, nghề truyền thống ở địa phương vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ, đó là: Thiếu thiếu lao động trẻ tham gia; sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm được sản xuất công nghiệp.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, hiện nay huyện Con Cuông đang tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch mở các lớp truyền nghề, đào tạo nghề truyền thống và hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm.
Ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, huyện sẽ tiếp tục kết nối mở thêm các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đến các thôn, bản và các xã vùng khó khăn cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của người dân. Một giải pháp quan trọng nữa là địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng nhằm tạo nên sự phát triển bền vững, đột phá và nâng cao mức sống cho người dân.
Tùng Lâm