Cooperatives | Thứ hai, 5/12/2022 | 07:43 GMT+7
0 |

Người Nùng vùng DTTS ở Cao Bằng xóa đói, giảm nghèo cùng KTTT, HTX

Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua mỗi năm, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện đã và đang tạo tiền đề, động lực để tỉnh Cao Bằng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH do Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới bình quân trên 4%/năm.

Tỉnh Cao Bằng cũng xác định, để đạt được mục tiêu này, cùng với nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân, mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không thể thiếu sự hỗ trợ, chung tay góp sức nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, dân tộc Nùng có dân số đứng thứ hai, chiếm 31,08%.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Nùng ở Việt Nam có dân số 1.083.298 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 7 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 158.114 người sinh sống tại tỉnh Cao Bằng, chiếm 16,3% tổng số người Nùng tại Việt Nam.

Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Nùng, và đã đạt được những thành quả bước đầu.

Theo kết quả sơ bộ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Cao Bằng năm 2020 (theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020): Tổng số hộ nghèo là 28.660 hộ (giảm 4.956 hộ so với năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo 22,06% (giảm 4,01% so với năm 2019). Tổng số hộ cận nghèo là 19.819 hộ (tăng 1.086 hộ so với năm 2019); tỷ lệ hộ cận nghèo 15,25% (tăng 0,72% so với năm 2019).

Trước đó, từ năm 2016 - 2019, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, công tác giảm nghèo của tỉnh cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo được 16,58%, giảm bình quân 4,15%/năm với 18.938 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 42,53% đầu năm 2016 xuống còn 26,07% vào cuối năm 2019.

Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Cao Bằng đã giảm 20,46%, từ 42,53% xuống còn 22,07%, bình quân hằng năm giảm 4,12%, với trên 30.000 hộ thoát nghèo, hoàn thành 206% mục tiêu đề ra. Để đạt được kết quả này, tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ các nguồn lực, phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của địa phương, của bản thân người nghèo, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư để giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo.

Xác định công tác giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, hằng năm, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đến từng địa phương. Nhờ đó, người nghèo và cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội ngày càng đầy đủ hơn. Trong đó, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật; đồng thời vận dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất.

Cao Bằng đã thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương, thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền về công tác giảm nghèo và tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo.

Các chính sách giảm nghèo chung và chính sách xã hội được tỉnh tập trung triển khai đồng bộ đã giúp cho các hộ nghèo ổn định đời sống nỗ lực vươn lên vượt nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống làm chuyển biến đáng kể tình hình KT-XH của địa phương. Các dự án hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đều triển khai đến tận các thôn đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã, xóm từng bước được nâng lên, thông qua việc tiếp cận về công tác đào tạo và trực tiếp làm chủ đầu tư một số nội dung hợp phần của chương trình.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn, tỉnh Cao Bằng đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào DTTS. Thực hiện đa dạng hoá nguồn vốn, huy động vốn để triển khai thực hiện Chương trình, tăng cường huy động vốn từ các nguồn đóng hợp pháp khác… Tỉnh cũng xác định tiếp tục nâng cao vai trò của khu vực KTTT, HTX trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Cao Bằng nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh từ 4%/năm trở lên (các huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 4%/năm. Riêng 2 huyện Hà Quảng, Trùng Khánh giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 6 - 7%/năm, quy mô hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều cuối kỳ giảm ít nhất 60% so với đầu kỳ. Phấn đấu đến cuối năm 2025, 2 huyện Hà Quảng, Trùng Khánh thoát khỏi tình trạng nghèo.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định: Mỗi năm thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4%/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Là tỉnh miền núi, nên Cao Bằng xác định kinh tế mũi nhọn là nông - lâm nghiệp, ngoài ra là phát triển ngành vật liệu xây dựng. Chính vì vậy, tỉnh ưu tiên phát triển các trang trại, HTX sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa. Khi HTX được thành lập không chỉ tập hợp được các hộ dân cùng hỗ trợ nhau sản xuất mà thông qua hàng loạt các chính sách dân tộc như Chương trình 135, Quyết định 102, Quyết định 755, Quyết định 54, Quyết định 18 của Chính phủ đã trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ các HTX phát triển.

Đặc biệt, đối với những HTX được thành lập ở các xóm, bản đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào DTTS, các chính sách dân tộc tập trung đầu tư xây dựng đường bê tông, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cây giống, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... Đây là động lực để HTX phát triển, mở rộng sản xuất, thu hút người dân tham gia.

Thời gian qua, mô hình KTTT, HTX của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH, nhất là trong việc nâng cao nhận thức, tạo việc làm cũng như thu nhập cho bà con DTTS, trong đó có đồng bào người Nùng.

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 386 HTX (tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020) và 1 Liên hiệp HTX. Trong năm 2021 thành lập mới 39 HTX trong đó có 31 HTX nông nghiệp, 8 phi nông nghiệp. Tổng vốn điều lệ của các HTX đạt 825 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020; bình quân vốn 2,19 tỷ đồng/HTX; Thu hút số thành viên HTX ước đến hết năm 2021 là 3.420 người, tăng 6,8%; số lao động thường xuyên trong HTX là 2.800 người.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy các HTX phát triển, Sở NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch phát triển HTX cũng như Đề án phát triển HTX tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh sẽ kết hợp với UBND các huyện tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các HTX và thực hiện nhiệm vụ báo cáo thường xuyên, đúng tiến độ nhằm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các HTX.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích đồng bào DTTS tham gia mô hình KTTT, HTX, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho người dân, HTX áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đồng thời tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình HTX kiểu mới.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX, nhất là trình độ cho cán bộ quản lý, điều hành và thành viên Hội đồng quản trị. Đi cùng với đó là tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đại hội Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng lần thứ VI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu, khách quan, là phương thức tổ chức sản xuất phổ biến và hiệu quả, liên kết hộ cá thể để ứng dụng công nghệ cao, huy động các nguồn lực sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, giảm chi phí, tăng thu nhập là động lực để phát triển KT-XH.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết đặt ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng: Mỗi năm thành lập mới 15 HTX trở lên, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 460 HTX, giải quyết việc làm cho 6.800 người lao động; Phấn đấu đến năm 2025 có trên 70% HTX kinh doanh có lãi; 80% số xã có HTX, mỗi huyện xây dựng 1-2 mô hình gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; Phấn đấu từ 70% trở lên cán bộ HTX được đào tạo, bồi dưỡng; thu nhập của HTX và thành viên tăng 1,5 lần; số HTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước tăng 2 lần so với nhiệm kỳ trước...

Nhằm phát huy những tiềm năng thế mạnh về đất đai và khí hậu cho phát triển nông nghiệp, tỉnh Cao Bằng đang chỉ đạo các địa phương quy hoạch, hướng dẫn người dân tạo lập vùng hàng hóa tập trung, thông qua các mối liên kết 3 nhà, 4 nhà, trong đó các HTX có vai trò cầu nối quan trọng. Việc phát triển nông sản hàng hóa cũng chú trọng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), gắn với tuyển dụng lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập đối với nông dân và đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản, những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã xác định và phát triển các cây trồng chủ lực, từ đó từng bước đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm có lợi thế. Cao Bằng đã xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh bằng việc thiết lập chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có một số sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể như: khẩu sli Nà Giàng (Hà Quảng), thịt bò Mông Cao Bằng, quýt Trà Lĩnh, miến dong Nguyên Bình, hạt dẻ Trùng Khánh...

Song song với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp đang sản xuất nông sản tạo ra quy trình sản xuất - kinh doanh khép kín từ cung cấp cây giống, phân bón đến việc bao tiêu sản phẩm. Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cũng tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản là thế mạnh của tỉnh vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng; quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hoá đã được công nhận.

Một điển hình về HTX tạo vùng hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế địa phương, từ đó tăng giá trị nông sản, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân là HTX Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An.

Xã Nguyễn Huệ là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS, đông nhất là người Nùng với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo… Nghề làm miến dong ở đây có từ đầu những năm 1950, nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đi vào quy củ, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Năm 2013, HTX Án Lại được thành lập, được ví như “cú hích” lịch sử trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của bà con DTTS và phát triển kinh tế hợp tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn.

Cây dong riềng được coi là cây “lộc trời” bởi phù hợp với khí hậu mát mẻ, chất đất đồi núi, không kỳ công chăm sóc vẫn cho năng suất 80 tấn/ha/năm. Loại cây này chủ yếu phục vụ chế biến tinh bột và miến dong trên địa bàn xã.

Ban đầu, HTX kêu gọi bà con phát triển vùng nguyên liệu dong riềng, sản xuất tinh bột để vừa giữ gìn nghề làm miến truyền thống, vừa phát triển kinh tế gia đình, không để xảy ra tình trạng thương lái ép giá.

Ban đầu, nhiều người còn nghi ngại nhưng khi được HTX cho ứng trước giống và phân bón, bà con thi đua tăng gia sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu hơn 100ha.

Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, HTX đã xây dựng được nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất.

Cùng với nghề sản xuất miến dong, cây dong riềng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. HTX Án Lại đang bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hơn 200 hộ liên kết trong xã với sản lượng trung bình 6 tấn/hộ/năm. Các hộ thành viên của HTX Án Lại và khoảng 20 lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nông Văn Lưu (dân tộc Nùng), thành viên HTX: Gia đình ông có khoảng 1.000m2 trồng dong riềng, mỗi năm có thể sản xuất ra 3 tấn tinh bột. Nhờ chuyển đổi từ trồng ngô, lúa sang trồng dong riềng, giá trị kinh tế tăng lên gấp 4-5 lần. Từ sản xuất tinh bột và chế biến miến dong, mỗi năm gia đình ông thu lãi 50 triệu đồng.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, các HTX đã tập hợp và làm thay đổi được tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào DTTS để xây dựng một vùng trồng, chế biến nông sản sạch, bảo vệ môi trường và khơi dậy niềm tin về mô hình HTX kiểu mới.

Theo đó, tham gia HTX, người dân được hướng dẫn, học hỏi những kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay về sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn, bền vững. Vì thế, không còn tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, hoặc mạnh ai nấy làm; sản phẩm làm ra cũng có giá trị gia tăng cao hơn, chất lượng đồng đều hơn và số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Có thể khẳng định, cùng với nhiều đổi mới, hoạt động ngày càng có hiệu quả, các HTX nông nghiệp cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo thông qua phổ biến kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất để phát triển theo chiều sâu.

Đặc biệt, HTX đã thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa, hiện đại hóa và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như trồng rau sạch, cây ăn quả, chăn nuôi... gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển kinh tế và dần xóa bỏ cung cách làm ăn riêng lẻ, tự cung, tự cấp; HTX đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn thành viên và nông dân với mức thu nhập ngày càng cao.

Một trong những điển hình trong việc HTX thay đổi tư duy cho đồng bào DTTS là HTX nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo (xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng).

Theo đó, HTX nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo được thành lập năm 2017, với mục tiêu bao tiêu các sản phẩm nông sản theo tiêu chí ba sạch (sản xuất sạch, phân phối sạch,tiêu dùng sạch).

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX là một trong những yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, vì vậy HTX luôn đi trước trong xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Những ngày đầu mới thành lập, lãnh đạo HTX đã chủ động đến các chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước để quảng bá, chào bán các sản phẩm.

Từ năm 2020, HTX nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo kết nối với một số doanh nghiệp trong cả nước triển khai thực hiện các mô hình trồng đậu tương, ngô ngọt, ngô bao tử tại TP Cao Bằng và huyện Quảng Hòa. Đến năm 2021, HTX đã bao tiêu gần 1.000 tấn nông sản, đặc sản các loại; thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thời vụ cho 25 - 30 lao động địa phương.

Hiện nay, HTX nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo bao tiêu, cung cấp hơn 30 mặt hàng nông sản trên thị trường, trong đó có 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Một số mặt hàng của HTX được một số doanh nghiệp đặt bao tiêu toàn bộ để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…

Có thể khẳng định, những thành công bước đầu trong xây dựng NTM tại tỉnh Cao Bẳng trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các HTX và tổ hợp tác, nhất là việc hoàn thành các tiêu chí về việc làm, hình thức tổ chức sản xuất và thu nhập.

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thu nhập của người dân tại khu vực nông thôn tỉnh Cao Bằng tăng lên đáng kể, khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị dần được rút ngắn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, góp phần thiết thực vào chương trình giảm nghèo bền vững ở địa phương. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn NTM; có 11 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 64 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 47 xã đạt 7 - 9 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân của tỉnh đạt 11,63 tiêu chí/xã...

Giai đoạn từ năm 2022- 2025, Chương trình tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đề ra mục tiêu tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp xóm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu 2 huyện, 50 xã trở lên đạt chuẩn NTM. Trong đó 10 xã trở lên đạt NTM nâng cao và 5 xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí; 30% số xóm đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư cũng như việc xã hội hóa xây dựng các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành. Xây dựng và thực hiện tốt Đề án nông nghiệp thông minh, việc quy hoạch sản xuất, hình thành vùng nông nghiệp chuyên canh hàng hóa; đẩy mạnh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; khuyến khích phát triển các nhóm liên kết, tổ hợp tác, HTX trong sản xuất; chú trọng hỗ trợ các làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đối với các địa bàn biên giới vùng sâu, vùng xa, việc xây dựng NTM phải phù hợp với đặc thù vùng miền, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định dân cư và đầu tư hạ tầng cơ sở đảm bảo; phát huy vai trò của người DTTS trong xây dựng NTM…

Một trong những mô hình tiêu biểu là HTX Vân An (xã Lê Lai, huyện Thạch An).

Đại diện HTX Vân An cho biết, từ năm 2018, HTX đã lựa chọn cây trồng này là loại cây chủ lực trên địa bàn xã Lê Lai. Áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chỉ sau từ 4-5 tháng là cây cho thu hoạch, năng suất đạt 35 tấn/ha.

Tham gia mô hình này, HTX sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho thành viên và hộ dân liên kết.

Với giá trị kinh tế khá cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây chanh leo đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của bà con nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho các hộ gia đình đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào người Nùng.

Theo tính toán, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, mỗi héc ta trồng chanh leo có thể mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm - mức thu nhập rất cao đối với đồng bào dân tộc miền núi hiện nay.

Nhờ phát triển mô hình sản xuất chanh leo theo hướng hàng hóa với sự tham gia của HTX Vân An, trung bình mỗi năm, xã Lê Lai giảm 9% tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2020, xã Lê Lai đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019.

Đức Minh

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu