Trong tháng 11/2023, UBND tỉnh Bình Phước đã có quyết định công nhận xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Đây là niềm vui cho người dân xã này, cũng là “trái ngọt” từ sự chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp đời sống ngày càng khởi sắc với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 92 triệu đồng/năm.
“Trái ngọt” từ sự chung sức
Đó cũng là nhờ xã Lộc Điền thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hợp tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tốt.
Tham gia cùng các HTX liên kết trồng tiêu sạch giúp đời sống nông dân ở Lộc Ninh ngày càng nâng cao. |
Trong xã Lộc Điền có 2 HTX nông nghiệp là HTX nông nghiệp Quyết Tiến và HTX chăn nuôi gà Lộc Điền đã và đang giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Đơn cử như HTX Quyết Tiến hiện có diện tích canh tác 20 ha với cây chủ lực là hồ tiêu. HTX đã và đang góp phần quảng bá và phát triển thương hiệu hồ tiêu sạch Lộc Ninh vươn ra những thị trường mới.
Thời gian qua, HTX Quyết Tiến đã liên kết với doanh nghiệp để cung cấp tiêu sạch với sản lượng khoảng 10 tấn/năm. Giám đốc Hồ Sỹ Nguyên cho biết, HTX đang giúp thành viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, cũng như từng bước đẩy mạnh liên kết tạo sức mạnh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho thành viên và các hộ nông dân.
Còn ở xã Lộc An hiện vẫn đang vững vàng trong việc duy trì và nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới từ cách đây 3 năm. Đây là nỗ lực rất lớn ở xã biên giới này với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44% dân số.
Cách đây 3 tháng, trong xã đã ra mắt HTX trang trại chăn nuôi Lộc An. HTX được thành lập từ Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gia súc do các thành viên tự nguyện và hợp tác tương trợ lẫn nhau nhằm tổ chức liên kết sản xuất chăn nuôi.
Các thành viên HTX này chủ yếu là các hộ chăn nuôi dê, bò và heo với tổng đàn khoảng 1.500 con. Hiện nay, HTX đã có sản phẩm thịt và con giống chủ lực bò, dê, heo được mở rộng ra thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, đang dần mở rộng hơn về lĩnh vực chuồng trại, chăm sóc, tiêu thụ và xuất nhập khẩu các sản phẩm sạch.
Thích ứng canh tác hữu cơ và chuyển đổi số
Ông Lưu Văn Bình, Giám đốc HTX trang trại chăn nuôi Lộc An cho biết: “Khi thành lập HTX, bước vào môi trường chuyên nghiệp hơn, chúng tôi càng nỗ lực phấn đấu để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như khẳng định chỗ đứng của mình. Với sự chung sức, đồng lòng của mỗi thành viên, tin rằng HTX ngày càng quy mô, hoạt động hiệu quả hơn”.
HTX Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang giúp nông dân Lộc Ninh thích ứng với canh tác hữu cơ. |
Ngoài ra, trong xã Lộc An còn có HTX nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Lộc An được thành lập cách đây 3 năm với sự tham gia của 25 thành viên chuyên canh về các loại cây trồng như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh trên tổng diện tích hơn 71 ha. Hiện nay, HTX đã liên kết với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu ở tỉnh Bình Dương tổ chức thu mua sản phẩm của các thành viên.
Hoặc như ở xã nông thôn mới Lộc Quang hiện có HTX Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang là một HTX đi đầu của huyện Lộc Ninh trong việc phát triển hồ tiêu hữu cơ.
Đây cũng là HTX đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Năm ngoái, HTX này đã đầu tư máy tính, máy in, camera quan sát, hệ thống tưới, chăm sóc tự động bằng ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT)… lắp đặt cho 2 ha hồ tiêu và hoa hồng chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững.
HTX Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang hiện nay có diện tích trên 30 ha hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX đã được thị trường trong và ngoài nước ghi nhận. Đó là hồ tiêu giữ nguyên được màu sắc và dưỡng chất bởi công nghệ sấy thăng hoa hiện đại nhất hiện nay, hoàn toàn không can thiệp bất cứ chất gì khác.
Hiện nay, HTX Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (hạt tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu tứ sắc sấy thăng hoa và hạt tiêu đen, bột tiêu đen). Các sản phẩm tiêu hữu cơ của HTX được đánh giá có nhiều công dụng tốt để bảo vệ sức khỏe.
Ông Phạm Thanh Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, mục tiêu của HTX là tham gia vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, đặc biệt là xây dựng thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh.
Từ việc các xã chú trọng vào việc thúc đẩy mở rộng mô hình HTX nông nghiệp mang lại hiệu quả cao như vậy đã góp phần cho huyện Lộc Ninh đạt được nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lộc Ninh đang nỗ lực để về đích huyện nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.
Trong hoạt động kinh tế hợp tác, đến nay, toàn huyện Lộc Ninh có 41 HTX nông nghiệp và 29 tổ hợp tác. Tính hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể giúp huyện biên giới này nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, giúp các nông hộ thành viên nâng cao thu nhập.
Đem lại lợi ích cho cộng đồng
Ngoài ra, để nâng cao giá trị các sản phẩm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Lộc Ninh đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số. Hiện nay, huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tổng hợp nguồn lực để các HTX thực hiện chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP.
Nhờ các HTX phát huy tốt tính liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã giúp tạo thế vững chắc cho huyện Lộc Ninh trong xây dựng nông thôn mới. |
Trong thời gian tới, huyện Lộc Ninh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, ưu tiên phát triển các HTX, tạo động lực quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình OCOP theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, đem lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương.
Đến nay, toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3, 4 sao và có 5 sản phẩm đã hoàn thành hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thẩm định. Trong đó, đáng chú ý có sản phẩm Gạo ST24 của HTX thương mại, dịch vụ Lộc Khánh ở xã Lộc Khánh.
Là một thành viên của HTX thương mại, dịch vụ Lộc Khánh, ông Lâm Khên ở tổ 2, ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh cho biết, khi trồng lúa ST24 theo hướng hữu cơ trên 1,7 ha đã được HTX phối hợp hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc lúa.
Nhờ tuân thủ kỹ thuật và bón phân, phun thuốc đúng chu kỳ giúp ruộng lúa của gia đình ông Khên phát triển xanh tốt. Giá thu mua của HTX cao nên bà con rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Phúc Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX thương mại dịch vụ Lộc Khánh cho biết, HTX đang hướng tới phát triển thương hiệu lúa gạo hữu cơ ST24 và gạo rẫy Lộc Khánh. Vì vậy, HTX phối hợp Hội Nông dân xã hỗ trợ các nông hộ giống lúa, hướng dẫn quy trình, phân bón để sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ.
Bên cạnh đó, như chia sẻ của ông Trường, HTX đã ký kết với một HTX thương mại, dịch vụ trong tỉnh Bình Phước để tiêu thụ sản phẩm và hướng tới cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu về gạo cũng như tham gia mạng lưới trong nước để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Tính đến nay, toàn xã Lộc Khánh có khoảng 200 ha đất trồng lúa và nông dân đang hướng tới trồng lúa hữu cơ. Những kết quả tích cực từ sản phẩm lúa gạo ST24 cùng với việc xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Lộc Khánh và gạo rẫy Lộc Khánh của HTX thương mại dịch vụ Lộc Khánh đang cho thấy đây chính là “chìa khóa” giúp nông dân trong xã tăng thêm thu nhập. Và chính nhờ đó đã góp phần giúp cho xã biên giới này (với đồng bào thiểu số chiếm 50% dân số) giữ vững các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Tin rằng, các HTX với khả năng phát huy tốt tính liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, cũng như khai thác hiệu quả các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh ở địa phương, sẽ giúp cho huyện Lộc Ninh vững tin để hướng tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong thời gian tới.
Thanh Loan