Đến nay, Hưng Yên là một trong 9 tỉnh, thành phố trong cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 4 huyện, thành phố đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Phúc). Hưng Yên đang phấn đấu trở thành tỉnh NTM vào cuối quý II/2020.
100% số xã đã “về đích”
Số liệu của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên cho thấy, tính đến nay, tỉnh đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 4 huyện, thành phố đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM là huyện Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào và TP Hưng Yên.
Các tổ hợp tác, HTX đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Phấn đấu hoàn thành tỉnh NTM vào năm 2020 vượt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND tỉnh đã yêu cầu: UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo rà soát tổng thể các tiêu chí xây dựng NTM của địa phương, ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện phấn đấu hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM; đồng thời tích cực chỉ đạo các xã khẩn trương triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao.
Ngoài các huyện Phù Cừ, Kim Động, Yên Mỹ và Khoái Châu hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm tra, thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM gửi về UBND tỉnh trước ngày 31/1/2020; huyện Ân Thi và huyện Tiên Lữ tập trung hoàn thiện nội dung các tiêu chí xây dựng NTM và lập hồ sơ đề nghị thẩm tra, thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM gửi về UBND tỉnh trước ngày 15/4/2020.
Các Thị ủy, Thành ủy và các Huyện ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia tích cực quyết liệt hơn nữa để phấn đấu đến ngày 30/6/2020, tỉnh Hưng Yên hoàn thành xây dựng NTM... Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục tập trung xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Theo đó, ngoài mục tiêu trở thành huyện NTM, tỉnh đang đặt ra mục tiêu có thêm 20 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 5 xã cơ bản hoàn thành nội dung các tiêu chí về xã NTM kiểu mẫu; mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2 khu dân cư hoàn thành nội dung các tiêu chí về khu dân cư NTM kiểu mẫu; duy trì, nâng cao hơn nữa mức đạt chuẩn các tiêu chí của 100% các xã NTM trong tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua, Hưng Yên phấn đấu năm 2020, toàn tỉnh có 100% số xã đạt tiêu chí NTM nâng cao; 10 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; 10 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; 100% số huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM…
Vai trò lớn của kinh tế hợp tác
Thành tựu đã đạt được trong chương trình xây dựng NTM của Hưng Yên đến nay có được là nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn, trong đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, nhất là HTX nông nghiệp.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên Hoàng Văn Thuỳ cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 66 tổ hợp tác có chứng thực của UBND cấp xã, thu hút trên 460 thành viên với tổng vốn góp 1, 59 tỷ đồng. Các tổ hợp tác thực hiện cung cấp vật tư, sơ chế nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Qua thực tế hoạt động cho thấy sự phát triển của tổ hợp tác mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp cho các thành viên tham gia, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới...
Cùng với THT, việc thành lập và tổ chức hoạt động của HTX trong tỉnh Hưng Yên cũng có nhiều tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 363 HTX; trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 255 HTX, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có 30 HTX, lĩnh vực GTVT có 10 HTX, lĩnh vực thương mại có 3 HTX và quỹ tín dụng nhân dân có 65 HTX. Tổng số thành viên tham gia HTX là hơn 80.000 người, tổng số vốn điều lệ của các HTX gần 248 tỷ đồng. Các HTX đang tạo việc làm cho 23.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Riêng đối với HTX vận tải có thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; quỹ tín dụng nhân dân thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (chiếm trên 70%) và đóng góp tích cực vào xây dựng NTM. 255 HTX nông nghiệp đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở nông thôn.
Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Phú - là HTX được chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012 sớm nhất trong huyện Yên Mỹ. Đến nay, HTX đã có 120 thành viên, vốn điều lệ 209 triệu đồng, doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. HTX thực hiện các hoạt động thuỷ nông, cung ứng vật tư nông nghiệp, trồng rau, củ, quả và thực hiện liên kết với một số siêu thị, công ty trong việc tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các thành viên HTX.
HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Phú đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm (Ảnh: TL) |
Diện tích sản xuất của HTX đạt 15,5ha thuộc 2 thôn Mễ Thượng và Mễ Hạ với 20 chủng loại sản phẩm được chứng nhận VietGAP chủ yếu là cải ngọt, cải chíp, su hào và bắp cải, bầu bí và các loại rau gia vị mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, tại huyện Văn Lâm, HTX chăn nuôi và dịch vụ an toàn Siêu Việt có 16 thành viên, vốn điều lệ 200 triệu đồng, doanh thu trên 6 tỷ đồng/năm. HTX đã ký hợp đồng hợp tác với CTCP dinh dưỡng VNFF cung ứng đầu vào gồm lợn giống, thức ăn chăn nuôi; đồng thời liên kết với các cửa hàng thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội tiêu thụ các sản phẩm: thịt lợn an toàn, giò, chả, xúc xích.
Không chỉ đem lại giá trị kinh tế, mô hình chăn nuôi thân thiện cũng góp phần bảo đảm an toàn, sức khỏe cho các thành viên. Nếu như trước đây hệ thống chuồng trại chăn nuôi thô sơ, chất thải gây ô nhiễm môi trường, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thì nay, chuồng trại được xây dựng kiên cố, hiện đại, các loại chất thải được tận dụng làm hầm biogas, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm ô nhiễm...
Tại huyện Phù Cừ, HTX thuỷ sản Hưng Phát với 14 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, diện tích nuôi thuỷ sản khoảng 40 ha. HTX đã liên kết với HTX nuôi trồng thuỷ sản Hạ Lễ (huyện Ân Thi), Trung tâm tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ thuỷ sản tỉnh Bắc Ninh cung cấp và tiêu thụ sản phẩm cá giống, cá thịt thương phẩm của HTX...
Qua tìm hiểu thực tế hoạt động của các HTX ở các địa phương cho thấy trong xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể chính là người dân, sự liên kết giữa những người nông dân với nhau không chỉ là sự hợp tác đơn thuần, mà còn phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng cá thể, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở nông thôn.
Đức Nguyễn