Chính quyền xã Đức Bình Đông xác định phát triển nông nghiệp bền vững chính là nền tảng để xây dựng nông thôn mới. Nhờ thực hiện tốt các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Chuyển đổi giống mới
Xã Đức Bình Đông là địa phương thường trồng sắn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến nhiều năm nay nên đây cũng được coi là cây trồng chủ lực tại địa phương.
Tuy nhiên, trước đây, người dân chủ yếu trồng các giống sắn KM98-5 hoặc KM140. Dần dần, các giống sắn này bị thoái hóa, nhiễm bệnh nhiều nên hiệu quả kinh tế không cao, không đủ nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp.
Xã Đức Bình Đông chú trọng chuyển đổi giống sắn mới. |
Trước chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã chuyển đổi sang trồng các giống sắn mới KM419, KM94, KM440. Đây là giống được ngành nông nghiệp xác nhận là phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và cho sản lượng cao.
Đến nay, toàn xã có hơn 250 hộ trồng 1.550ha giống sắn KM419, còn lại khoảng 300ha trồng các giống KM94, KM440.
Đặc biệt, các giống sắn mới có tỷ lệ tinh bột cao hơn, khi nhổ không bị đứt gốc, nên không phải đào, hạn chế tổn thương củ nên bảo đảm được chất lượng.
Mỗi ha sắn thu 28-30 tấn củ, cao hơn 29% so với giống cũ. Giá bán cho nhà máy sắn là 2.200-2.300 đồng/kg sắn tươi, dù có mất mùa nhưng vẫn lãi gần 15 triệu đồng/ha, chưa kể tiền bán hom sắn giống.
Đóng góp xây dựng nông thôn mới
Trồng giống sắn mới đòi hỏi người dân phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, mật độ cây trồng. Việc bón phân cũng được ưu tiên phân hữu cơ, đồng thời làm sạch cỏ ít nhất 3 lần kết hợp vun luống cho đất xốp. Việc kết hợp với trồng các cây họ đậu cũng giúp đất đai có thêm chất dinh dưỡng.
Sự xuất hiện của doanh nghiệp chế biến trên địa bàn thông qua chủ trương ký kết bao tiêu nguyên liệu, đầu tư vùng nguyên liệu giữa chính quyền mà tiêu biểu là HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình Đông và nhà máy đang mở ra một tương lai mới cho cây sắn trên mảnh đất này.
Theo hướng dẫn của doanh nghiệp, HTX Đức Bình Đông đứng ra thành lập các trạm thu mua sắn, thu đến đâu trả tiền đến đó... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con bán hết sản phẩm cho công ty theo hợp đồng và có vốn để quay vòng sản xuất cũng như phục vụ cuộc sống.
Hình thành chuỗi giá trị cây sắn tại xã Đức Bình Đông (Ảnh: TL) |
Từ đây, mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) được hình thành, tạo nền tảng vững chắc để người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm và giải quyết được những tồn tại từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ.
Mối liên kết 4 nhà giúp hình thành những tác động tích cực, bền chặt để giúp người dân biết được lợi ích của việc trồng sắn là xóa được đói, giảm được nghèo, tạo việc làm, từng bước làm giàu.
Chính việc mạnh dạn thay đổi giống sắn mới đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực khi không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị cây sắn mà còn hạn chế rất lớn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất nông nghiệp từ đó cũng tăng lên.
Đến nay, sắn chính là cây được mệnh danh "cây giúp người dân xóa đói, giảm nghèo" hiệu quả. Đã có hơn 100 hộ trên địa bàn xã có thu nhập 100-150 triệu đồng/năm từ trồng sắn.
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, từ chỗ không có tài sản gì đáng giá, thiếu ăn từng bữa, nay nhiều nhà mua được tivi, xe máy, sắm điện thoại.
Con em cũng được học hành đầy đủ, trình độ dân trí được nâng cao, các tệ nạn xã hội giảm. Cơ sở hạ tầng trong xã cũng được cải thiện, nhiều con đường mới được bê tông hóa, đường dây điện đã về đến tận nhà dân. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang đảm bảo bước đầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Theo đại diện UBND xã Đức Bình Đông, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về hộ nghèo (tiêu chí số 11) rất quan trọng. Việc chuyển đổi giống sắn mới đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp hàng trăm hộ trong xã thoát nghèo.
Huyền Trang