Nghĩa Hành có diện tích tự nhiên hơn 23.400 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp khoảng hơn 19.570 ha, chiếm hơn 83%. Huyện có 11 xã và 1 thị trấn, với dân số hơn 91.700 người. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Hre là hơn 1.110 người, phân bổ tại 3 xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây và Hành Dũng.
Xây dựng NTM gắn với giảm nghèo
Theo nhận định của một cán bộ huyện Nghĩa Hành, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM là “hai trong một”, bởi khó có thể thành công xây dựng NTM ở xã nghèo, huyện nghèo.
Theo đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ổn định.
Nhờ xây dựng NTM, 100% số xã ở Nghĩa Hành cơ giới hóa khâu làm đất. |
Đặc biệt là việc phát triển, nhân rộng các vùng cây ăn quả tập trung tại các xã Hành Minh, Hành Nhân, Hành Tín Đông; vùng trồng lúa chất lượng cao tại xã Hành Dũng, Hành Thịnh; các trang trại quy mô lớn cũng như phát triển cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống…
Thời gian qua, HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú (Hành Tín Tây) đã mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình nuôi heo sạch. Với 72 con heo, HTX được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn thảo dược.
Sau 6 - 7 tháng, thịt heo sạch của HTX được xuất bán và người tiêu dùng đánh giá cao, tin tưởng sử dụng. Tạo đà phát triển, HTX đã nhân rộng mô hình và mở rộng quy mô nuôi heo sử dụng thức ăn thảo dược, với sự tham gia của 16 thành viên, đảm bảo luôn cung cấp ra thị trường thịt heo sạch phục vụ người tiêu dùng.
Hiện, trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có 15 HTX nông nghiệp, với hơn 8.000 thành viên. Trong đó, có 6 HTX đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng và 7 HTX đã liên kết với các DN thực hiện chuỗi liên kết sản xuất.
“Các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới không chỉ tạo điều kiện cho các xã viên và người dân có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới, để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM ở địa phương”, Lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành cho biết.
Nhờ đó, huyện Nghĩa Hành đã thành công và gặt hái “quả ngọt” trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, trở thành điểm sáng để các huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi học hỏi và làm theo.
Đặt mục tiêu xa hơn
Về Nghĩa Hành hôm nay, nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch đẹp, nhà cửa xây dựng khang trang, kinh tế phát triển, đời sống người dân dần được nâng cao. Đó là kết quả của việc phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM.
Về Nghĩa Hành hôm nay, nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch đẹp. |
Thống kê cho thấy, huyện đã huy động gần 420 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó có trên 19,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Từ nguồn vốn này, huyện đầu tư bê tông gần 400km đường GTNT. Kiên cố hóa 111km kênh mương nội đồng; sửa chữa, xây dựng 12 trường học, xây mới 6 nhà văn hóa và 6 chợ xã; xây mới và nâng cấp 9 trạm y tế xã.
Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 4,3%.
Theo kế hoạch, Nghĩa Hành tiếp tục bắt tay xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, với mục tiêu nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn NTM. Huyện phấn đấu đến năm 2020, mỗi xã ít nhất một khu dân cư kiểu mẫu.
Theo đó, xây dựng các thôn ở các xã đạt chuẩn thành các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu có kinh tế phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp; môi trường sinh thái trong lành; bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy; an ninh trật tự đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhân dân hài lòng và đồng tình ủng hộ.
Ngọc Giang