Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát huy thế mạnh của địa phương. Nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, huyện Đông Hưng đã từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm phát triển bền vững trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng đào tạo nghề
Chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, là gốc rễ để hướng đến đạt các tiêu chí nông thôn mới.
Một trong những giải pháp giải quyết vấn đề trên được huyện Đông Hưng chú trọng chính là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Vì chỉ có tăng cường đào tạo nghề, giúp người dân có nghề, thì xây dựng nông thôn mới mới thực sự thành công và bền vững.
Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu cũng là nguyên nhân khiến thanh niên rời địa phương kiếm việc làm, gây ra tình trạng thiếu lao động phục vụ sản xuất, đặc biệt là lao động có tay nghề, kỹ năng.
Từ nguồn kinh phí của tỉnh và Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, huyện đã liên kết cùng Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động, người dân, thành viên và lãnh đạo HTX. Các lớp tập trung vào đào tạo sản xuất theo hướng hàng hóa, trồng cây lương thực, chế biến nông sản, sửa chữa máy nông nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị…
HTX Trọng Quan nâng cao hiệu quả sản xuất từ chú trọng đào tạo nghề (Ảnh: TL) |
Thông qua các lớp đào tạo nghề, các học viên, người lao động, thành viên HTX áp dụng vào thực tế cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Tại HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp xã Trọng Quan, sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề về trồng khoai tây giống và thương phẩm, các thành viên đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây khoai tây đảm bảo sản xuất củ giống sạch bệnh.
Năng suất khoai trung bình khoảng 5,5-6 tạ/sào, với giá bán khoai thịt là 6.000 đồng/kg, khoai giống 4.000-5.000 đồng/kg, thành viên thu nhập 4-5 triệu đồng/sào.
Hiện nay, HTX đầu tư 5 kho lạnh với công suất 30-40 tấn/kho, đảm bảo đủ điều kiện để bảo quản củ giống khoai tây đạt tiêu chuẩn, vì vậy HTX không những chủ động được nguồn giống khoai tây sạch bệnh cho bà con trong xã mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Từ việc nâng cao hiệu quả kinh tế, thành viên tiếp tục duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định, đồng thời hỗ trợ các hộ khác cùng sản xuất.
Sau các lớp đào tạo nghề, các thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Nguyên Xá (xã Nguyên Xá) cũng mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng mới cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện địa phương vào sản xuất như mướp đắng, bí xanh, ớt, khoai tây..., từ đó từng bước hình thành các vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp
Có thể thấy, đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần giúp huyện Đông Hưng thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đào tạo nghề giúp các địa phương, HTX nâng cao giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững; đồng thời nâng cao thu nhập cho hộ nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết, nhất là liên kết với doanh nghiệp và các hộ nông dân.
Huyện đã xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao (Ảnh: TL) |
Huyện Đông Hưng đã xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm chuyên sản xuất một số giống lúa, giống cây giá trị, chất lượng cao.
Đến nay, toàn huyện xây dựng được 31 cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung với diện tích 1.409ha và 6 cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm với diện tích 76,32ha, năng suất cao hơn so với năng suất của cánh đồng đại trà khoảng 20%. 100% diện tích đất sản xuất được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Huyện đã quy hoạch và triển khai hiệu quả một số vùng chăn nuôi tập trung, nuôi cá lồng trên sông.
Đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Công ty TNHH Thuận Khang, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Lam Sơn... ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân thông qua các HTX.
Sản xuất phát triển, đời sống của người dân Đông Hưng ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ở mức 20 triệu đồng, thì đến nay nâng lên 46,77 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2010-2019 tăng 10,31%/năm.
Huyền Trang