Trong tất cả loài nấm, đông trùng hạ thảo sống ký sinh trên côn trùng và là loài dược liệu quý, giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây là loại khó nhân giống nhất bởi không chỉ sống trong điều kiện hết sức đặc biệt mà còn phải liên tục thay đổi môi trường trong mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Do thời tiết không phù hợp nên ở Việt Nam rất ít nơi cấy trồng thành công loại dược liệu này.
Đam mê với mới lạ
Anh Luận cho biết, năm 2017, sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn chưa tìm được công việc ưng ý, với đam mê trồng nấm, anh đã tìm hiểu nhiều nơi và quyết định chọn khởi nghiệp với đông trùng hạ thảo ở quê nhà.
Nguyễn Thành Luận với mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo (Ảnh: TL) |
"Ở nước ta, đông trùng hạ thảo rất hiếm nhưng lại có giá trị kinh tế cao vì có thể chữa nhiều bệnh. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tôi quyết định "làm liều" trồng đông trùng hạ thảo trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Ban đầu ý tưởng này được bạn bè, gia đình khuyên ngăn không nên theo, nhưng với quyết tâm, niềm đam mê thử sức với những cái khó, điều mới lạ nên tôi vẫn quyết định theo đuổi. Nếu thành công thì mô hình của tôi dễ có lối đi riêng hơn vì chưa ai từng thử nghiệm", anh Luận nói.
Đầu năm 2018, anh Luận đầu tư máy móc, thiết bị, con giống (với kinh phí gần 100 triệu đồng) và dựng trại. Song chỉ nuôi trồng vài tháng, số đông trùng hạ thảo đã... nhiễm bệnh chết. Anh nhận ra mình chưa có kinh nghiệm thực tế sản xuất bên ngoài, khi đưa vào phòng thí nghiệm rất khó, nhiệt độ cũng không đạt chuẩn...
Cuối cùng những con giống đầu tiên cũng dần hình thành trong niềm sung sướng khó tả của anh Luận. “Cấy giống là khâu quan trọng, nó quyết định thành công hay thất bại của việc nuôi trồng. Trước khi cấy cần lưu ý khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm đông trùng hạ thảo vào bên trong giá thể. Sau 60 - 70 ngày sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện”, anh Luận cho biết.
Mở hướng đi mới
Cũng theo anh Luận, đông trùng hạ thảo khó nuôi trồng, chúng thường sống trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm (độ cao trung bình hơn 4.000m so với mực nước biển), đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh và môi trường sống phù hợp mới phát triển.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo khô của HTX nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam (Ảnh: TL) |
Để vượt qua trở ngại ban đầu về nhân giống, anh Luận chọn nhộng tằm làm giá thể để nuôi cấy. Anh cũng lấy dịch lỏng (được pha chế từ gạo lứt, bắp, khoai tây...) cấy giống nấm trên giá thể. Khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25 độ C và độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều, phủ kín bề mặt. Sau đó, chuyển sang xử lý tại phòng kín phải giữ nhiệt độ 18 - 23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Khi chuyển sang phòng nuôi, phải đảm bảo nhiệt độ ổn định 18 - 22 độ C và độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 - 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch...
Từ mô hình khiêm tốn ban đầu, anh Luận đã mở rộng phòng nuôi cấy với quy mô 80.000 phôi cho một lượt sản xuất. Tổng chi phí đầu tư đã lên tới gần 1 tỷ đồng. Cơ sở sản xuất của anh cũng đã được nâng cấp thành HTX nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
"Trước đây, cuộc sống gia đình bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ khi tham gia vào sản xuất đông trùng hạ thảo của HTX, đời sống gia đình tôi đã dần khấm khá. Đây là mô hình còn khá mới mẻ nhưng đã mang lại hướng đi mới cho những người dân nghèo như chúng tôi", chị Phạm Thanh Hoa, thành viên HTX nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam phấn khởi nói.
Ngoài việc phơi, sấy khô sản phẩm, HTX còn chế biến thành thực phẩm chức năng giúp mọi người dễ sử dụng hơn với giá 1,5 triệu đồng/hũ (gồm 30g đông trùng hạ thảo và 30g tinh bột nghệ tươi), phần lớn số còn lại dùng để ngâm rượu. Mỗi chai rượu của cơ sở có dung tích 0,5 lít, trong đó có 3g quả thể đông trùng hạ thảo khô, với giá bán 400 nghìn đồng.
Hiện, HTX nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam đã giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, bình quân thu nhập mỗi tháng là 4 triệu đồng.
Theo đánh giá của đại diện xã Tam Phú, mô hình đông trùng hạ thảo của anh Luận đã được TP Tam Kỳ đánh giá cao, thường xuyên quan tâm, hướng dẫn các thủ tục pháp lý HTX có các chứng nhận về chất lượng, mở rộng thị trường, kỳ vọng sẽ mang loài dược liệu quý này đến đông đảo mọi người, nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển mới, giàu tiềm năng về kinh tế với đông trùng hạ thảo, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Nguyễn Đan