Phù Yên là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, với 27 xã, thị trấn. Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp huyện gặp nhiều khó khăn như: trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, địa bàn rộng… ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn.
Tuy nhiên với sự quyết tâm cao và tận dụng hiệu qủa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã tích cực phát huy và xây dựng được những nền tảng cơ bản góp phần nâng cao đời sống người dân.
Chú trọng phát triển kinh tế
Điểm nhấn trong xây dưng NTM của Phù Yên là phong trào phát triển kinh tế. Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh địa phương, huyện vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, thay thế những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, kết hợp với phát triển chăn nuôi.
Các cấp ngành đã đẩy mạnh thực hiện công tác khuyến nông, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tính đến nay, diện tích cây ăn quả chủ lực của huyện là trên 2.200 ha. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Quýt ở xã Mường Cơi, Cam Mường Thải, tỏi Gia Pù, chè cổ thụ Mường Do…
Mô hình trồng quýt ở Mường Cơi cho hiệu qủa kinh tế cao |
Để người dân sản xuất bền vững, huyện khuyến khích các hộ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó chú trọng phát triển các mô hình HTX. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 32 HTX trong đó có 17 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.
Các HTX đã phát huy vai trò “bà đỡ” hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hàng hóa từ đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đây cũng là nền tảng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 19,9%. Khi kinh tế ổn định, người dân có thêm điều kiện tham gia đóng góp công sức, tiền làm đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi xã hội... tạo nên diện mạo mới NTM huyện miền núi ngày càng khang trang.
Những kết quả đạt được cũng góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng NTM, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự…
Điểm sáng Mường Tấc
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phù Yên không thể không nhắc đến HTX dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc (xã Huy Hạ). Hiện HTX có 13 thành viên, hoạt động đa ngành nghề: Mua bán, sửa chữa xe máy và trồng cây ăn quả, rau...
Điểm nổi bật trong trồng rau là HTX đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để thuê 8.000 m2 và xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nước cảm biến tự động… Mỗi vụ HTX cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn rau, mang về nguôn thu hàng trăm triệu đồng.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm tính hiệu quả, bền vững. Trong đó, trên 1,7 ha đất sản xuất tại xã Huy Hạ được bố trí trồng 500 gốc nhãn ghép Hưng Yên, 100 cây xoài Đài Loan, 200 gốc chuối, đu đủ cao sản giống Đài Loan, bí đỏ, dừa xiêm, 100 gốc mít Thái, 300 gốc đinh lăng, 200 gốc chanh leo và một số loại rau, cây trồng theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, HTX còn có một khu vực sản xuất nữa tại bản Văn Yên, xã Mường Thải chủ yếu trồng các loại cây ăn quả có múi.
HTX Mường Tấc chú trọng ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất rau màu |
Để hỗ trợ người dân và thành viên, HTX đã chủ động khâu nối, phối hợp để mọi người tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, HTX còn được huyện tổ chức cho đi tham quan các mô hình hay, cách làm mới hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Đến nay, HTX đã được địa phương hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng hệ thống phun, tưới nhỏ giọt cho cây. Các cấp chính quyền cũng tạo điều kiện giúp HTX hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Nhờ vậy, các sản phẩm rau, củ, quả của HTX ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. Doanh thu HTX đạt trung bình 1,5 tỷ đồng/năm. Ngoài tạo việc làm cho 11 thành viên, HTX còn thuê 14 lao động địa phương với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đã đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Theo đánh giá của địa phương, HTX đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào 19 tiêu chí NTM như: Đường nông thôn, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực...
Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia vận động các thành viên tham gia ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn làm cơ sở thực hiện hiệu quả tiêu chí về giao thông và thủy lợi, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Như Yến