Dù mới thành lập từ năm 2017 nhưng đến nay, nhờ có hướng đi đúng đắn biến cây sơn tra từ một cây dại mọc ở trong rừng, trở thành cây hàng hóa mà HTX sản xuất, kinh doanh cây dược liệu, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Nặm Búa (bản Nặm Búa, xã Long Hẹ) đã thu hút được 120 thành viên.
Hữu xạ tự nhiên hương
HTX Nặm Búa có 30 ha cây sơn tra đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP (Ảnh: TL) |
Xuất phát điểm của việc HTX Năm Búa ra đời là do xã Long Hẹ có 430 ha cây sơn tra nhưng do người dân trồng không tập trung, không đầu tư kỹ thuật nên năng suất bình quân chỉ khoảng 1,5 tấn/ha. Việc bán sản phẩm cũng chỉ tập trung ở trong tỉnh nên hiệu qủa kinh tế không cao.
Với mục tiêu nâng cao năng suất cây trồng kết hợp mở rộng diện tích, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để thành lập các tổ hợp tác, HTX, trong đó có HTX Nặm Búa.Sau thời gian sản xuất trên diện tích 5 ha và cho hiệu quả, từ 10 thành viên ban đầu, HTX đã thu hút được rất nhiều thành viên, phát triển 180 ha cây sơn tra, trong đó có 30 ha cây sơn tra đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Điều thuận lợi là nhiều thành viên HTX có những người tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất đều được HTX chủ động giải quyết.Từ những cây sơn tra nhỏ lẻ đã được cải tạo và trồng mới để phát triển thành vùng nguyên liệu, thu hút các đơn vị đăng ký thu mua.Thị trường cho sơn tra không bó hẹp trong tỉnh mà mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng, trong đó có Hà Nội.
Theo Ban giám đốc HTX, nhờ đầu tư sức người, cây sơn tra đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. HTX đang tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản để nâng cao năng suất, từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh phát triển cây sơn tra, HTX sản xuất, kinh doanh cây dược liệu, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Nặm Búa còn trồng 2ha cây sa nhân, gần 150ha thông,10ha chanh leo, 5ha xoài, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện, đàn trâu, bò của HTX gần 200 con, lợi nhuận thu về từ sản xuất của HTX luôn bảo đảm từ 1 tỷ đồng trở lên.
Các hoạt động sản xuất của HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 40-45 lao động địa phương. Thành viên cũng có thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Đây chính là một trong những điều kiện giúp tỷ lệ hộ nghèo ở Long Hẹ giảm dần qua từng năm.
Nói thì dễ, nhưng ở thời điểm thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn do số lượng tham gia thành viên còn ít. Để thu hút được người dân, ngoài vai trò của địa phương trong việc tuyên truyền về vai trò của mô hình HTX kiểu mới thì việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất hiệu quả mới là động lực thu hút người dân tham gia làm thành viên.
Ông Phàng A Mang, một thành viên HTX cho biết, với 4ha trồng sơn tra, sau khi trừ hết chi phí trồng, và các khoản chi phí khác, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được khoảng trên 100 triệu đồng, từ hộ nghèo đói triền miên, đến nay, gia đình ông đã trở thành hộ khá giả.
Phát triển năng lực sản xuất
Phát triển kinh tế bằng cây sơn tra ở HTX Nặm Búa nói riêng, xã Long Hẹ nói chung đã được triển khai thực hiện hiệu quả, ngày càng phát triển theo hướng bền vững, góp phần giảm nghèo, cải tạo được môi trường sinh thái và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ngoài HTX Nặm Búa, trên địa bàn huyện Thuận Châu còn có HTX Thanh Sơn (xã Co Mạ) đang đẩy mạnh phát triển cây sơn tra. HTX cũng đẩy mạnh sử dụng các cây trội để ghép cải tạo và trồng sơn tra giống ghép, tạo sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng và tổ chức quản lý giống theo chuỗi.
Thông qua các HTX, sơn tra đã trở thành cây hàng hóa giúp người dân giảm nghèo bền vững (Ảnh: TL) |
Theo UBND huyện Thuận Châu, khi tham gia các HTX, người dân, HTX được hỗ trợ và tạo điều kiện vay vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện phục vụ phát triển sản xuất.
Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giúp các hộ nghèo, cận nghèo là thành viên HTX nâng cao năng lực sản xuất.
Đặc biệt, việc tham gia HTX góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa nghèo bền vững.
Có thể nói, từ một cây dại mọc ở trong rừng, thông qua các HTX, sơn tra đã trở thành cây hàng hóa. Đây cũng là nền tảng thúc đẩy huyện giảm nghèo trong thời gian qua. Theo UBND huyện, giai đoạn 2016-2020, Thuận Châu giảm được 20,46% hộ nghèo. Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 34,03; tỷ lệ hộ được sử dụng điện quốc gia đạt 97,5%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%.
Huyền Trang