Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, các tiểu thương bán lẻ ở nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM lao đao vì buôn bán ế ẩm, chưa kể còn gặp áp lực trước đó từ các mô hình bán lẻ hiện đại từ ngoại tuyến cho đến trực tuyến.
Chợ truyền thống đang gặp khó khăn
Quan sát nhiều kiốt ở các chợ truyền thống sẽ thấy những bảng thông báo sang nhượng, cho thuê được treo nhan nhản. Ngay cả những ngôi chợ lớn nổi tiếng lâu nay như chợ Bến Thành, An Đông…cũng gặp nhiều khó khăn.
Sức ép cạnh tranh khiến cho hoạt động chợ truyền thống suy giảm là điều thấy rõ. Nếu như cách đây 15 năm, thành phố có 300 ngôi chợ thì đến nay chỉ còn khoảng 239 chợ, trong đó có 38,2% chợ “lớn tuổi” xây dựng trước năm 1975 đang xuống cấp.
Hồi năm ngoái đã khoảng 30% tiểu thương (tương ứng 100-140 tiểu thương) tạm ngưng kinh doanh, bỏ quầy sạp do tình trạng kinh doanh quá ế ẩm. Để vực dậy hoạt động mua sắm tại các chợ truyền thống là cả bài toán nan giải khi mà hệ thống bán lẻ hiện đại ở TP. HCM đang có tới 2.651 cửa hàng tiện lợi, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại.
Xu hướng mua sắm ở các siêu thị tạo áp lực lớn cho các chợ truyền thống (ảnh: TV) |
Giới chuyên gia cho rằng nếu đổi mới mô hình HTX đầu tư chợ có thể phần nào vực dậy tình trạng khó khăn chung của các chợ truyền thống tại thành phố như hiện nay.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, việc xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá, trong đó mô hình HTX chợ kiểu mới là HTX của chính những thương nhân kinh doanh tại chợ (vì phần lớn thành viên HTX là thương nhân kinh doanh tại chợ).
Theo đó, thương nhân vừa kinh doanh vừa làm chủ HTX, có quyền tham gia ý kiến, quyết định đối với các hoạt động của HTX nhằm quản lý và làm cho chợ ngày càng phát triển.
Trên thực tế, thời gian qua, một số mô hình HTX chợ kiểu mới đã cho thấy tính hiệu quả. Đơn cử như HTX thương mại và dịch vụ Võ Thành Trang từ nhiều năm nay trúng thầu khai thác chợ đã giúp chợ Võ Thành Trang (trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP.HCM) từ một ngôi chợ có tuổi đời hơn nửa thế kỷ trở thành một khu chợ truyền thống hiện đại, thu hút người tiêu dùng.
Khác với nhiều chợ truyền thống ở khu vực trung tâm TpHCM, chợ Võ Thành Trang bán cả ngày lẫn đêm với đa dạng mặt hàng từ hoa rau củ đến thịt cá tươi sống, cũng như các thực phẩm chế biến sẵn. Uy tín của HTX đưa mọi hoạt động quản lý chợ đi vào quy củ giúp thu hút lượng khách hàng đông hơn 20 - 30% so với các khu chợ khác.
Tiểu thương sẽ là thành viên
Ngoài chợ Võ Thành Trang, ở Tp.HCM hiện có 33 ngôi chợ truyền thống do HTX quản lý và được đánh giá là duy trì hoạt động tương đối hiệu quả dù gặp không ít áp lực trước các xu hướng mua sắm mới.
Ưu điểm lớn nhất của mô hình HTX chợ kiểu mới là tạo ra không gian mới cho chợ hoạt động, thay đổi tư duy quản lý - kinh doanh chợ và trao quyền tự chủ cho tiểu thương. HTX hoạt động theo tinh thần tự chủ, công bằng, mọi hoạt động quản lý, cân đối thu chi, đầu tư nâng cấp hay lời lỗ ở chợ sẽ do những người chủ - thương nhân cùng gánh vác.
Hiện nay Tp.HCM đang có chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý chợ. Trong đó có các mô hình HTX chợ kiểu mới được kỳ vọng tham gia đầu tư nhiều hơn khi tỷ lệ người tiêu dùng mua hàng qua chợ truyền thống chưa đến nổi quá bi đát với khoảng 60% nếu so tỷ lệ còn lại ở kênh bán lẻ hiện đại.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng tiện lợi, phục vụ việc mua sắm tận nhà là một vấn đề khiến nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống phải đau đầu. Đây cũng là điều mà các HTX chợ kiểu mới ở Tp.HCM cần lưu tâm để bắt kịp xu hướng này.
Với sự quản lý của HTX, chợ Võ Thành Trang luôn nhộn nhịp (ảnh: Tư liệu) |
Bên cạnh đó, từ việc nở rộ các cửa hàng tiện lợi thì thành phố cần tập trung về quy hoạch các chợ truyền thống hướng đến việc nâng chất, giảm lượng, có thể là giảm dần các chợ ở trung tâm TP.HCM.
Hồi tháng 8 năm ngoái, sau khi khảo sát tình hoạt động kinh doanh hệ thống chợ trên địa bàn thì UBND TP.HCM có đánh giá hiệu quả hoạt động xã hội hóa đầu tư chợ, giao chợ cho doanh nghiệp tư nhân và HTX quản lý.
Theo ước tính, hiện TP.HCM có 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực đầu tư - kinh doanh - khai thác chợ. Điểm đáng chú ý là thu nhập của các HTX kinh doanh chợ đều ở mức cao hơn so với mức trung bình của các HTX ở các lĩnh vực khác.
Nhiều ý kiến mong rằng các ngôi chợ truyền thống tại TP.HCM nên mạnh dạn áp dụng mô hình HTX quản lý chợ kiểu mới. Theo đó, mỗi tiểu thương buôn bán trong chợ đều là thành viên của HTX. Chính những tiểu thương - thành viên này sẽ biết cách củng cố ngôi chợ của mình để cạnh tranh tốt hơn trong thời gian tới.
Thanh Loan