Với ý chí, niềm đam mê, nghị lực làm giàu từ mảnh đất quê hương, nhiều giám đốc HTX đã thành công với mô hình phát triển kinh tế rừng đạt năng suất và hiệu quả cao, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn trên địa bàn. Phát triển kinh tế rừng đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững, thậm chí vươn lên làm giàu.
Bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Tại tỉnh Bắc Kạn, trồng rừng đã trở thành phong trào phát triển kinh tế hộ. Đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế rừng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Gia đình anh Lục Văn Bạn ở Xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở các tuyến đường lâm sinh phục vụ việc trồng, chăm sóc và khai thác rừng.
Từ kinh nghiệm trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng, anh Lục Văn Bạn đã thành lập HTX Vạn Xuân chuyên trồng, chăm sóc và quản lý rừng. Đến nay, HTX có gần 31ha rừng, trong đó có 25ha chuẩn bị đến chu kỳ khai thác, chủ yếu là cây keo.
![]() |
Nhiều HTX đã phát huy thế mạnh để tập trung trồng rừng, coi trọng phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Vụ trồng rừng năm nay, HTX tiếp tục trồng gần 2ha cây hồi và quế. HTX luôn duy trì 10 thành viên hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương.
Anh Lục Văn Bạn cho biết: Hiện nay, trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là cây keo, vì chu kỳ khai thác chỉ trong vòng 6 năm. Mỗi héc ta nếu gia đình nào thuê toàn bộ thì chi phí cũng chỉ khoảng 15 triệu đồng. Sau 6 năm trồng, khi khai thác thu về số tiền lãi từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Nếu được chăm sóc tốt thì tiền lãi còn cao hơn.
Đặc biệt trong những năm qua, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi trồng ngô, sắn có giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng sản xuất.
Cũng nhờ thực hiện đảm bảo các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người trồng rừng, nên diện tích rừng ở xã Bằng Thành năm sau luôn cao hơn năm trước. Bà con trồng rừng theo hướng nông - lâm kết hợp nên nghề rừng ngày càng phát trển theo hướng bền vững, rừng được quản lý chặt chẽ hơn. Nhiều vùng đồi núi trọc bị bỏ hoang nay đã được phủ xanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải tạo môi trường sinh thái, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Ông Lục Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Thành cho biết: Phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ ở khắp các thôn, bản. Diện tích đăng ký trồng rừng tăng theo từng năm với cơ cấu giống chủ yếu là cây mỡ và cây keo. Bên cạnh đó, nhiều người dân đã tự bỏ vốn để trồng rừng, mang lại thu nhập cao. Phát triển kinh tế từ lâm nghiệp chính là một trong những bước đi vững chắc nhất trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo của địa phương.
Hiệu quả từ mô hình nông, lâm kết hợp
Dự án “Thúc đẩy và mở rộng nông lâm kết hợp hướng theo thị trường và các giải pháp phục hồi rừng cho vùng Tây Bắc Việt Nam” không chỉ giúp người dân tăng giá trị trên một đơn vị diện tích mà còn tạo thêm ngành nghề phụ cho nông dân, tăng thu nhập nông hộ, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.
Anh Vũ Quyết Thắng, Giám đốc HTX nuôi trồng dược liệu Bình An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chia sẻ, mô hình nông lâm kết hợp là một hệ thống quản lý sử dụng đất có sự kết hợp trồng xen giữa cây lâu năm thân gỗ với các cây trồng hàng năm. Với một thiết kế phù hợp, mô hình có thể làm giảm xói mòn rửa trôi đất trong khi vẫn duy trì được các lợi ích về sinh thái và kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích theo thời gian.
Anh Thắng cho biết, nắm bắt được nhu cầu thị trường cũng như tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng xen trà hoa vàng, khôi nhung dưới tán cây keo, mỡ, quế.
Thực tế cho thấy, triển khai trồng rừng phải mất khoảng từ 5 năm đến 7 năm trở lên mới có thể khai thác, thu hoạch. Vì vậy, việc trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế xã hội của địa phương lâu dài, mà còn là giải pháp đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Đến nay, HTX nuôi trồng dược liệu Bình An đã có 35 thành viên với tổng diện tích trồng theo hướng nông lâm kết hợp khoảng 12 ha. Không chỉ có vậy, anh Thắng còn tiến hành liên kết, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đối với các sản phẩm của cây dược liệu dưới tán rừng cho người dân tại địa phương và các địa bàn lân cận với tổng diện tích khoảng 40 ha.
![]() |
Mô hình nông lâm kết hợp của các HTX được người dân đánh giá cao, giúp xóa đói, giảm nghèo. |
Chị Nguyễn Thị Hoa, thành viên HTX chia sẻ: “Nếu như trên diện tích rừng của gia đình tôi chỉ trồng một loại cây thì sau vài năm mới cho thu hoạch. Với cách trồng xen cây khôi nhung và trà hoa vàng như hiện nay, hàng ngày chúng tôi vẫn có thêm thu nhập mà tiết kiệm được công lao động làm cỏ”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Long, huyện Yên Bình cho biết: “Mô hình nông lâm kết hợp của HTX nuôi trồng dược liệu Bình An được xã cũng như người dân đánh giá cao. Ở mô hình này, không những giúp người dân tận dụng hiệu quả diện tích đất sẵn có của gia đình, góp phần giúp nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên cùng đơn vị diện tích mà còn giúp chống xói mòn rửa trôi đất, đặc biệt là đối với các địa phương có diện tích rừng nhiều như xã Xuân Long".
Theo ông Tuấn, hiệu quả từ mô hình nông lâm kết hợp của HTX là cơ sở để người dân áp dụng, tuyên truyền và vận động các nông dân khác áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương.
Nâng cao giá trị tài nguyên
Ông Bùi Duy Ngọc, Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng chia sẻ, các địa phương, các ngành chức năng cần tiếp tục chú trọng đầu tư và đổi mới nội dung công tác khuyến lâm, thúc đẩy người dân, các tổ chức áp dụng tiến bộ khoa học, các biện pháp kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất thâm canh để rừng đạt tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với tình hình mới trong xu thế phát triển của thị trường thế giới.
Những năm gần đây, một số tỉnh ở Tây Bắc đã triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn rất bài bản, có hiệu quả với việc thành lập các mô hình HTX.
Để HTX vừa làm công tác bảo vệ rừng trồng, vừa bảo vệ rừng sản xuất, tạo nên sự đồng bộ hiệu quả cao, tiến tới xây dựng HTX dịch vụ lâm nghiệp hỗ trợ người dân phát triển rừng, kinh doanh rừng trồng bền vững và đáp ứng Chứng chỉ FSC, các tỉnh và các cơ quan chức năng cần xem xét tạo điều kiện hỗ trợ thêm kinh phí, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, quản lý cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; thực hiện chính sách thu hút cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực chuyên môn về làm việc tại HTX... Từ đó nhằm phát huy vai trò của HTX trong công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng gỗ lớn.
Ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, một số tỉnh có diện tích rừng lớn đã phát huy hiệu quả từ đất rừng, được tỉnh quan tâm đầu tư chú trọng, góp phần làm giàu thêm tài nguyên rừng cũng như trong việc xóa đói, giảm nghèo của người dân.
Phát triển kinh tế trồng rừng ngày càng được người dân quan tâm. Nhiều mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Đoàn Huyền