Ông Nguyễn Tấn Thủ tham gia HTX Sơ ri Gò Công Đông ở xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông) từ lúc mới thành lập. Với 3 công đất trồng cây sơ ri, nhờ HTX tạo được đầu ra nên nguồn thu nhập cho gia đình ông ngày càng ổn định hơn.
Điểm sáng HTX ở Tân Đông
Ông Thủ chia sẻ, trước đây canh tác rau màu do giá cả phập phù, đầu ra không ổn định nên cuộc sống rất bấp bênh. Còn từ khi có HTX giúp chuyển đổi sang từ trồng sơ ri thì mọi chuyện đã khác.
Mỗi năm thu hoạch từ 6 - 7 lần, mỗi đợt ông Thủ thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Ngoài việc tạo đầu ra ổn định, HTX còn cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá gốc, giúp thành viên giảm chi phí, yên tâm sản xuất.
![]() |
Tham gia HTX Sơ ri Gò Công Đông giúp nhiều nông dân có cuộc sống sung túc. |
Tương tự, cách đây 5 năm, ông Nguyễn Văn Trường ở ấp Ông Gồng, xã Tân Đông đã chuyển sang trồng cây sơ ri và tham gia vào HTX Sơ ri Gò Công Đông. Hiện gia đình ông trồng được 2,5 công cây sơ ri, đang cho trái ổn định. Từ khi chuyển sang trồng sơ ri, cuộc sống gia đình ông sung túc hơn do thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Nhờ liên kết được với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ trái sơ ri nên nhiều năm qua, HTX Sơ ri Gò Công Đông luôn ổn định sản xuất, đảm bảo đầu ra cho thành viên.
Hiện nay HTX này có khoảng 130 thành viên tại 4 xã trên địa bàn huyện Gò Công Đông. Do nhận thấy lợi ích khi tham gia vào HTX nên hiện có rất nhiều nông dân trồng sơ ri trên địa bàn huyện nộp đơn xin tham gia.
Theo lãnh đạo HTX, những năm qua, giá sơ ri liên tục duy trì ổn định, đầu ra trái sơ ri được đảm bảo khi tham gia vào HTX, nên nhiều người dân trên địa bàn đã chuyển sang trồng sơ ri. Từ đó, diện tích sơ ri trên địa bàn đã tăng dần trở lại.
Dự kiến, trong thời gian tới, HTX Sơ ri Gò Công Đông sẽ tiếp tục phát triển lên khoảng 300 thành viên. Ngoài ra, HTX đang xây dựng vùng sản xuất sơ ri theo chuẩn VietGap với diện tích khoảng 10 ha để phục vụ cho nhu cầu đa dạng thị trường khi cần thiết.
Cũng ở xã Tân Đông, như nhiều nông dân khác, trước đây anh Lê Văn Oanh, ấp Chùa Đất Đỏ, chỉ quen với sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống. 5 công đất trồng rau của anh đến đợt thu hoạch phải phụ thuộc vào thương lái ở chợ, giá cả thì liên tục bấp bênh theo thị trường. Đến khi anh tham gia vào HTX sản xuất Rau an toàn Tân Đông ở xã Tân Đông thì mọi chuyện đã khác.
Hiện nay, HTX Rau an toàn Tân Đông có 102 thành viên canh tác với diện tích 25ha, trong đó có 30 thành viên sản xuất theo quy trình VietGap với diện tích 13ha. Một số thành viên còn lại tham gia sản xuất rau an toàn với diện tích 12 ha. Đây là một trong những HTX tiêu biểu, nổi bật của huyện Gò Công Đông. Doanh thu HTX hàng năm đạt hàng tỷ đồng, với sản lượng bình quân từ 2,5 - 3 tấn/ngày.
Nhân tố quan trọng giúp dân thoát nghèo
Trong năm 2022, HTX Rau an toàn Tân Đông đã tiêu thụ sản phẩm do thành viên sản xuất trên 2.300 tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu đạt trên 6,5 tỷ đồng, tạo thu nhập cho người lao động thường xuyên bình quân 5,5 triệu đồng/tháng.
![]() |
HTX Rau an toàn Tân Đông đã giúp cho cuộc sống nông dân địa phương ngày càng khấm khá, thoát cảnh nghèo khó. |
Trong thời gian tới, HTX Rau an toàn Tân Đông sẽ tiếp tục vận động bà con thành viên áp dụng trồng rau thủy canh (rau sạch) trong nhà kín hoặc công nghệ cao. Ngoài ra HTX sẽ tìm thêm thị trường mới, thị trường tiềm năng để sản phẩm của HTX đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, với chất lượng sản phẩm sạch, an toàn.
Trước sự đồng tình của tất cả các thành viên, HTX đưa ra quy trình sản xuất rau an toàn cho hơn 40 chủng loại rau quả các loại. HTX đã ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm cho tất cả các thành viên, giúp thành viên an tâm sản xuất, đồng hành cùng HTX phát triển.
Với hoạt động hiệu quả của hai HTX điển hình nêu trên đã giúp cho cuộc sống nông dân địa phương ngày càng khấm khá, thoát cảnh nghèo khó. Không những vậy, hai HTX này còn góp sức quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Tân Đông.
Cách đây 3 năm, UBND tỉnh Tiền Giang đã công nhận xã Tân Đông đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2020. Nhiều tiêu chí quan trọng có liên quan đến đời sống của người dân, cũng đạt kết quả cao. Cụ thể, như: Tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đạt 60,19 triệu đồng/người/năm (tăng 25,63 triệu đồng so với năm 2016), số hộ nghèo giảm còn 51 hộ (chỉ chiếm 1,78%).
Với nỗ lực phát triển kinh tế hợp tác nhằm nâng cao đời sống người dân, hiện tại có 11/11 xã trong huyện Gò Công Đông đều có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực mà các HTX đóng vai trò nòng cốt.
Đơn cử như các HTX liên kết tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu theo chuỗi giá trị với hệ thống siêu thị ở Tp.HCM. Nhờ vậy đã góp phần giải quyết đầu ra nông sản hàng hóa, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, đưa kinh tế hợp tác đi lên.
Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo cho bà con nông dân trong huyện. Như số liệu cho thấy vào cuối năm 2022, trên địa bàn huyện Gò Công Đông có 103 hộ thoát nghèo, đạt 163,5% kế hoạch huyện giao và đạt 171,6% kế hoạch tỉnh giao. Đến nay, toàn huyện còn 422 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,09%), 996 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 2,58% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025).
Tin rằng, với việc phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp kiểu mới trong thời gian tới sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng và là “đòn bẩy” góp phần giảm nghèo bền vững ở huyện Gò Công Đông.
Thanh Loan