Tính đến giữa năm 2022, toàn tỉnh Kon Tum đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, 19 xã đạt chuẩn từ 15-18 tiêu chí, 29 xã đạt chuẩn từ 10-14 tiêu chí, 1 xã đạt chuẩn 8 tiêu chí, không còn xã đạt chuẩn dưới 8 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 16,15 tiêu chí, tăng 1,35 tiêu chí so với năm 2020; đã có 4 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao...
Tạo mắt xích vững trong chuỗi liên kết
Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh Kon Tum có ít nhất từ 60 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; với các xã chưa đạt chuẩn, bình quân mỗi năm tăng từ 2 tiêu chí trở lên/xã; tiếp tục xây dựng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn và đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM…
Tỉnh Kon Tum yêu cầu mỗi địa phương đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng xây dựng NTM . |
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Kon Tum yêu cầu mỗi ngành, mỗi địa phương đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Theo đó, huy động các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, đặc biệt chú trọng thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các xã hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM theo lộ trình đã đề ra.
Song song đó, thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; bổ sung vốn tín dụng cho hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tăng cường hỗ trợ cho vay phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp.
Đặc biệt, trong Chương trình xây dựng NTM và Chương trình OCOP, khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác tiếp tục được tỉnh Kon Tum quan tâm hỗ trợ phát triển, từ đó đóng góp tích cực vào việc hoàn thành và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2021, tỉnh Kon Tum có 210 tổ hợp tác với 2.195 thành viên, 195 HTX với 9.733 thành viên và 11 liên hiệp HTX với 14 thành viên; tổng vốn điều lệ của các HTX đạt 273 tỷ đồng. Các HTX đã tạo việc làm, đem lại thu nhập cho lao động thường xuyên khoảng 47 triệu đồng/ người/năm.
Để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể (KTTT) tiếp tục phát triển, ngày 11/10/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3421/KH-UBND về phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu triển khai thực hiện tốt quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX nhằm đổi mới toàn diện về nội dung, hình thức hợp tác, liên kết phù hợp với từng vùng, lĩnh vực; hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường ổn định, mở rộng xuất khẩu; củng cố và xây dựng các THT, HTX hoạt động có hiệu quả tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; tập trung chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho thành viên; chú trọng phát triển “nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu” để góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tăng sức lan tỏa từ những mô hình điểm
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX làm ăn có hiệu quả, từ đó tạo sức lan tỏa, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của bà con các dân tộc, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX làm ăn có hiệu quả, tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững. |
Điển hình như HTX Mắc ca Nhân Hòa (thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô). Hiện nay, các vườn cây mắc ca của HTX được ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo hướng hữu cơ VietGAP, GlobalGAP, và HTX đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Không chế biến, không nâng cao chất lượng sản phẩm thì sản phẩm khó có chỗ đứng trên thương trường”, Giám đốc Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.
Trong khi đó, trên địa bàn huyện Đăk Hà, HTX Nông nghiệp Sáu Nhung liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với sản lượng 1.000 tấn/năm; HTX Công bằng Pô Cô liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với sản lượng 900 tấn/năm.
Việc thực hiện liên kết sản xuất của các HTX này theo quy trình từ khâu sản xuất đến thu hoạch. Toàn bộ diện tích của HTX được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGAP, an toàn và được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tưới phun mưa tự động. Sản phẩm của HTX chế biến ra đều được quản lý, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm tinh từ cà phê của các HTX có bao bì đẹp, chất lượng sản phẩm tốt, bảo đảm sức khỏe và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng…
HTX Dục Nông (xã Đăk Dục) là một đơn vị hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Tuy mới thành lập năm 2019, nhưng hiện nay doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Giám đốc Y Chon cho biết, HTX có 9 thành viên chính thức; ngoài ra còn có hàng chục hộ dân liên kết nuôi trồng, khai thác các sản phẩm tự nhiên cung cấp cho HTX chế biến các sản phẩm đặc trưng nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Hiện nay, HTX sản xuất gần 10 sản phẩm như: thịt heo gác bếp, rượu cần, muối, tiêu rừng, lá mì ủ chua, măng chua. Một số sản phẩm làm ra không đủ bán; trong đó có sản phẩm thịt heo gác bếp là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
HTX Kiên Thảo Phát (ở thị trấn Plei Kần) cũng là một trong những mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Năm 2009, HTX Kiên Thảo Phát thành lập chỉ có 7 thành viên, đến nay đã phát triển lên tầm cao mới, gồm 2 THT với gần 100 thành viên (gồm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư ở các tỉnh, thành phố và người dân địa phương).
Giám đốc Đặng Công Kiên cho biết, HTX hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn, khép kín; phát triển theo hướng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Trước đây, HTX chủ yếu kinh doanh thương mại và dịch vụ, cung cấp các loại giống cây trồng và vật tư nông nghiệp cho người dân địa phương. Từ năm 2018 đến nay, HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng đa ngành nghề như cung cấp ý tưởng, trang thiết bị sản xuất và chế biến; tư vấn, thiết kế; sản xuất nông nghiệp hữu cơ... HTX hiện có 60 ha đất sản xuất với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng.
“Hiện nay, HTX Kiên Thảo Phát sản xuất hơn 20 sản phẩm nông nghiệp sạch như: chuối sấy, măng sấy, mít sấy, trà thảo mộc, tiêu, mật ong... Sản phẩm làm ra tiêu thụ rất mạnh ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Hiện tại, sản phẩm do HTX làm ra vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, do đó dư địa của quá trình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng của đơn vị còn rất lớn”, ông Kiên bộc bạch.
Phương Linh