Với lợi thế là vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sớm, đất đai màu mỡ giúp hình thành nên các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản với giá trị bình quân đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm, tiêu chí sản xuất được xã Đồng Thanh chọn là thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, xã tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo nhân dân tập trung thâm canh, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác.
Hình thành thương hiệu cam
Theo đó, cây cam được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn để phát triển kinh tế của nông dân. Những năm qua, người trồng cam ở xã Đồng Thanh không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Xã Đồng Thanh hiện nay có gần 100ha trồng cam, gồm các giống cam Hưng Yên, cam đường canh, cam V2.
Cam Đồng Thanh tạo được thương hiệu nhờ sản xuất sạch theo quy trình VietGAP (Ảnh: Int) |
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2017, huyện Kim Động đã quy hoạch vùng trồng cam theo quy trình VietGAP tại xã Đồng Thanh với gần 30 hộ tham gia, diện tích khoảng 13ha. Đến nay, diện tích trồng cam theo quy trình VietGAP của xã đạt 30ha. Các hộ tham gia được hướng dẫn quy trình sản xuất chặt chẽ, kiểm soát lượng phân bón, tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, hình thành thói quen sản xuất nông sản sạch. Qua đó, đã tạo ra sản phẩm chất lượng ngon vượt trội, mẫu mã đẹp và an toàn vệ sinh thực phẩm, được thị trường ưa chuộng.
Được thành lập từ năm 2017, đến nay, HTX sản xuất rau củ, quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh có 30 thành viên tham gia với tổng diện tích trồng cam 30ha. Từ khi thành lập HTX, các hộ được tổ chức thành nhóm theo các thôn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn, dần dần xây dựng thương hiệu cam bảo đảm chất lượng theo hướng VietGAP, mở rộng phát triển sản xuất theo quy mô tập trung.
Nhờ thương hiệu và uy tín, cam Đồng Thanh hiện có thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình...
Để mở rộng thương hiệu, HTX tích cực tham gia các hội chợ nông sản giới thiệu sản phẩm cam Đồng Thanh. Theo đánh giá của các hộ tham gia sản xuất cam, năng suất cam trồng theo quy trình VietGAP tăng 10 - 15% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Hơn nữa, sản phẩm bảo đảm về chất lượng, mẫu mã nên tiêu thụ rất thuận lợi, giá trị kinh tế cao hơn so với các hộ không tham gia mô hình.
“Năm 2018, gia đình tôi tham gia mô hình thâm canh cam theo quy trình VietGAP. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây, gia đình tôi áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng gây hại, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Sản phẩm xuất bán ra thị trường bảo đảm an toàn cho khách hàng sử dụng. Năm nay, gia đình tôi dự kiến thu hoạch khoảng 10 tấn cam các loại, giá bán cam Hưng Yên đầu vụ 25.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Quang Dũng, thôn Công Luận chia sẻ.
Tự tin "về đích" đúng hẹn
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Kim Động cho biết, để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam, huyện phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, nắm bắt tình hình sâu bệnh trên cây cam để có hướng xử lý, mở rộng diện tích cam sản xuất theo hướng VietGAP. Đồng thời, khuyến khích, vận động người dân liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng cam để thuận lợi trong quá trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các HTX đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí sản xuất. |
Có thể khẳng định, việc xây dựng thành công nông thôn mới ở xã Đồng Thanh trong thời gian qua cũng như thời gian tới có sự đóng góp không nhỏ từ khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác. Theo đó, với vai trò tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững, đạt hiệu quả cao, các HTX đã góp phần hoàn thành và nâng cao các tiêu chí về sản xuất, thu nhập, tạo việc làm và giảm nghèo.
Theo ông Vũ Lôi Phong, thôn Bùi Xá, trước đây, gia đình ông cũng giống như nhiều nông dân khác ở địa phương sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác truyền thống. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đưa công nghệ cao vào sản xuất nên ông đã mạnh dạn học hỏi, đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới để trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Đồng thời, đứng ra vận động thành lập HTX kiểu mới tạo thuận lợi cho việc liên kết, tiêu thụ. Đây cũng là HTX kiểu mới thứ 4 được thành lập ở xã Đồng Thanh.
Bên cạnh nhóm tiêu chí sản xuất, xã Đồng Thanh cũng tập trung các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí về cảnh quan môi trường và hạ tầng nông thôn. Trong giai đoạn 2018 - 2021 đã có 15 tuyến đường gồm đường nội đồng, đường thôn xóm và trục xã được xây dựng, nâng cấp với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng. Trong năm 2022, xã có kế hoạch tiếp tục thực hiện nâng cấp, làm mới từ 3 - 5 tuyến đường, xây mới các nhà văn hóa thôn.
Cảnh quan nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp khi ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nâng cao. Mỗi tuyến đường làm mới đều được nhân dân ủng hộ trồng cây xanh, xã hội hóa lắp đặt hệ thống điện cao áp hiện đại...
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và huy động được nguồn lực tối đa từ sự đồng thuận của nhân dân đã giúp cho xã Đồng Thanh đạt được nhiều kết quả tích cực, tự tin về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023 theo kế hoạch đề ra.
Minh Long