Từ loài cây thuốc mọc hoang dại dưới tán rừng nguyên sinh, chỉ được người dân bản địa biết đến với tác dụng cầm máu, đi rừng bị ốm thì nhai cây để chữa bệnh, đến nay sâm Ngọc Linh có giá trị từ 100-150 triệu đồng/kg. Sâm Ngọc Linh đã trở thành bí quyết để người dân vùng cao cùng vươn lên thoát nghèo...
Ăn ngủ cùng rừng để trồng sâm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lượng chia sẻ, cuộc đời mình gắn với cây sâm Ngọc Linh. Từ khi 20 tuổi, ông đã băng rừng để đi tìm hạt sâm Ngọc Linh tự nhiên mang về ươm giống và chọn những khoảnh đất mùn ở vùng núi Ngọc Linh để trồng sâm.
Khảo sát vườn sâm của ông Nguyễn Văn Lượng (Ảnh: TL) |
Năm 2000 là lúc cây sâm bắt đầu có giá trị, ông đã chọn khu vực trồng sâm tập trung dưới tán rừng. Khi giá trị cây sâm được nâng lên, vùng trồng sâm xuất hiện tình trạng trộm cắp nên ông Lượng đã thành lập chốt sâm, kêu gọi người dân cùng trồng, túc trực bảo vệ.
“Lúc đầu khi thành lập chốt sâm rất khó khăn. Giá vật liệu như lưới để rào quanh vườn sâm rất cao. Để rào được vườn sâm hàng chục héc ta phải cần tới 30 tấn lưới, rất may có những người dân địa phương cõng từ xã Trà Nam lên”, ông Lượng cho biết.
Sau hơn 20 năm ăn ngủ giữ rừng, trồng sâm, ông Lượng có hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh giá trị cao. Để chia sẻ cây sâm giống và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân cùng trồng, ông đã thành lập THT trồng sâm Ngọc Linh.
“Ngày xưa mình khó khăn như họ, còn bây giờ họ khó khăn như mình ngày xưa nên mình hỗ trợ cây sâm, khuyến khích họ tham gia phát triển kinh tế. Tôi rất vui vì bà con chăm sóc, bảo vệ, phát triển sâm, giữ rừng, giữ giống sâm tự nhiên”, ông Lượng nói.
Cùng nhau thoát nghèo
Hiện, THT đang tạo công ăn việc làm cho hơn 30 người, giúp đỡ 28 hộ trồng sâm để cùng nhau bảo vệ, trồng, nhân giống sâm, phát triển kinh tế. Trong số những người này có nhiều người chỉ từ vài ba gốc sâm lúc đầu mà giờ đây đã có riêng cho mình hàng chục gốc sâm nhiều năm tuổi từ giống sâm ông Lượng cấp và hướng dẫn kỹ thuật trồng.
Trồng sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Trà Linh (Ảnh: TL) |
Với việc hướng dẫn và hỗ trợ giống sâm của ông Lượng, nhiều hộ dân tham gia THT như ông Hồ Văn Reo (72 tuổi), anh Hồ Văn Đồi (44 tuổi), Hồ Văn Huy (29 tuổi) đã vươn lên thoát nghèo.
'Trước đây, người dân chúng tôi ở đây rất nghèo, không có gạo ăn, phải qua Trà Cang, Kon Tum mua gạo. Từ khi tham gia THT, được anh Lượng hỗ trợ, giúp đỡ hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm, chúng tôi cũng đã có lượng sâm kha khá, phát triển kinh tế thoát nghèo", ông Đồi phấn khởi nói.
Ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, việc hỗ trợ cây sâm giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm giúp người dân phát triển kinh tế đã giúp bà con dần thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm đáng kể từ việc trồng sâm.
Năm 2015, hộ nghèo ở xã Trà Linh còn 50% nhưng đến năm 2019 đã giảm xuống 27,51%. Năm 2020, địa phương tiếp tục có thêm 46 hộ đăng ký thoát nghèo để giảm xuống mức 7%.
Qua đây có thể thấy, việc ông Lượng trồng, bảo vệ, hỗ trợ người dân cùng nhau nhân giống trồng sâm không chỉ giúp việc phát triển và bảo tồn nguồn giống cây sâm Ngọc Linh phục vụ cho việc phát triển vùng sâm nguyên liệu mà còn góp phần hạn chế việc phá rừng làm suy giảm môi trường thiên nhiên, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Ngọc Giang