Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo kịp thời việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển HTX, ví như đề án phát triển HTX dài hạn 2017 - 2025 và đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh và nhiều văn bản khác.
Xu thế sản xuất chuỗi giá trị
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Giang, đến đầu năm nay, Thái Bình có tổng số 480 HTX và 127 THT, trong đó HTX lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn (318 HTX).
Các HTX nông nghiệp đã thực hiện nhiều khâu dịch vụ, áp dụng và chuyển giao tiến bộ KH-KT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng chuyên cây, chuyên con có giá trị cao… có xu thế tăng nhanh.
Đáng mừng ở tỉnh Thái Bình đang xuất hiện mới một số mô hình HTX kiểu mới sản xuất, chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm cây trồng, vật nuôi.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Điệp Nông (huyện Hưng Hà) hiện thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trên phạm vi đất dịch vụ 528ha trong tổng diện tích đất canh tác của xã 579ha. Từ lợi thế thâm canh nông nghiệp hiệu quả cao, HTX đã nhạy bén tìm thị trường cho sản phẩm bằng cách kết nối DN với nông dân.
Ông Trần Minh Chiêu - Giám đốc HTX Điệp Nông, cho biết hiện nay, HTX đã có hợp đồng liên kết sản xuất với 9 DN trong và ngoài tỉnh, bao tiêu 12 - 15 sản phẩm các loại cây trồng chủ lực như lạc, ngô, kê… và nhất là rau màu vụ Đông. Trong số các DN đó, phải kể tới công ty Giống cây trồng Thái Bình, công ty Chế biến nông sản Hải Dương, công ty Hải Hậu (Hưng Yên), công ty XNK Đồng Giao (Ninh Bình)…
Theo ông Chiêu, trước đây khi người dân làm vụ Đông lên cao trào, sản phẩm tiêu thụ không kịp mốc thối, dẫn đến giảm diện tích… Gần đây, ngay từ đầu vụ, HTX đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn biện pháp canh tác, phòng trừ dịch bệnh và cuối vụ tổ chức thu mua nông sản bán cho DN.
Các HTX ở Thái Bình cần tìm đối tác DN trong chuỗi giá trị nông sản |
HTX cần có DN liên kết
Cách làm này của HTX đã giúp các thành viên và các hộ nông dân không phải bươn chải bán nhỏ lẻ, hoặc bán cho tư thương với giá cả bấp bênh.
Qua khảo sát cho thấy, nhờ tỉnh Thái Bình có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ phát triển HTX và cũng có nhiều đề xuất mang tính thực tiễn trong củng cố và phát triển HTX, nên các HTX và nhất là HTX nông nghiệp ở tỉnh phát triển thực chất, có vai trò thực sự trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn. Hầu hết ở các HTX đều đã và đang hình thành những chuỗi giá trị nông sản phẩm ở các mức độ khác nhau.
Về liên kết sản xuất, Thái Bình có tới 210 HTX hợp đồng với 20 DN trong và ngoài tỉnh, để tổ chức cung ứng vật tư, bao tiêu nông sản phẩm cho thành viên HTX và các hộ nông dân.
Nhưng lãnh đạo tỉnh Thái Bình thừa nhận mối liên kết “các nhà” và liên kết DN - HTX chưa chặt chẽ. Cụ thể như, trong tổng ruộng đất canh tác 225.148ha toàn tỉnh, diện tích gieo trồng “phủ sóng” hợp đồng liên kết sản xuất khoảng 9.766ha, chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp (4,34%). Trong tổng số 210 HTX có liên kết, chỉ có 35% số HTX liên kết hiệu quả và có tính bền vững, còn 65% HTX liên kết thiếu bền vững…
Theo ý kiến phản ánh của Giám đốc HTX Điệp Nông và nhiều HTX, nếu HTX không liên kết với DN sẽ rất khó để giải được bài toán tiêu thụ đầu ra cho nông sản. Nông dân có tư liệu sản xuất, có trình độ thâm canh song lại khó tiếp cận thị trường, và đó lại là thế mạnh của DN. Như thế, HTX phải là cầu nối cho nông dân với DN trong liên kết sản xuất.
Trong mỗi liên kết, DN tổ chức chuyển giao KH-KT và đầu tư giống cho nông dân, HTX đứng ra tổ chức cho sản xuất và thu mua sản phẩm theo đơn đặt hàng của các DN. Nhờ đó, nông dân yên tâm sản xuất, tránh được điệp khúc “được mùa - mất giá” kéo dài hiện nay.
Trong xu thế nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, mô hình HTX đã thể hiện rõ vai trò cầu nối thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Song, vấn đề nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn Thái Bình đang băn khoăn nhất, đó là các cấp ngành ở tỉnh cần quan tâm tìm kiếm những đối tác DN, giúp HTX và nông dân tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản.
Lưu Đoàn