Ngày 12/4, Liên minh HTX Việt Nam, Bộ NN&PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chính thức ký kết Chương trình phối hợp về thực hiện mục tiêu 15.000 HTX có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội.
15.000 HTX “ăn nên làm ra”
Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể (KTTT) và Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam - Bộ NN&PTNT - Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng Chương trình phối hợp thực hiện.
Theo nội dung chương trình này, đến năm 2020 đạt được mục tiêu 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp có hiệu quả.
Đối với HTX, duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 HTX nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017; trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2020.
Nâng cao chất lượng hoạt động của HTX nông nghiệp chưa hiệu quả để phấn đấu có trên 5.400 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số gần 7.200 HTX nông nghiệp yếu kém hiện nay); thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020.
Đối với Liên hiệp HTX, xây dựng các mô hình điểm về Liên hiệp HTX. Phấn đấu có trên 50 Liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả đến năm 2020.
Chương trình phối hợp nêu rõ sẽ giải thể dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động. Lựa chọn những nơi thực hiện hiệu quả việc giải thể HTX đã ngừng hoạt động để tập trung đánh giá phương pháp, cách làm, từ đó chỉ đạo các địa phương nghiên cứu vận dụng.
Đồng thời, thành lập mới và tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Theo đó, lựa chọn các ngành hàng chủ lực ở các lĩnh vực để thúc đẩy việc thành lập HTX chuyên ngành như lĩnh vực trồng trọt tập trung vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở ĐBSCL và các khu vực có điều kiện khác cây công nghiệp ở 25 tỉnh trồng mía đường, 10 tỉnh trồng cà phê, 28 tỉnh trồng chè...
Ngoài ra, phát triển Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên cơ sở đánh giá hoạt động của Liên hiệp HTX hiệu quả để có giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các Liên hiệp HTX nông nghiệp hiện có; đồng thời thành lập thêm trên 20 Liên hiệp HTX ở một số lĩnh vực gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương.
Chính thức ký kết Chương trình phối hợp về thực hiện mục tiêu 15.000 HTX có hiệu quả |
Quyết tâm hành động
Chia sẻ về chương trình phối hợp này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh đây là chương trình trọng tâm 3 năm tới của Liên minh HTX Việt Nam.
Các vấn đề, nội dung được nêu trong Dự thảo Chương trình, Liên minh HTX Việt Nam sẽ định hướng và tổ chức thực hiện. “Trên cơ sở ký kết, chúng tôi sẽ cụ thể hóa thành chương trình hành động cho toàn hệ thống. Trung ương làm gì, Liên minh các thành phố làm gì, nguồn lực lấy từ đâu... Chúng ta phải kết hợp từ Trung ương đến địa phương thì mới thành công”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, phấn đấu 3 năm tới sẽ xây dựng 500 - 700 HTX gắn với chuỗi giá trị. Riêng quý I/2018, qua khảo sát 30 tỉnh cho thấy, mỗi tỉnh đã làm 2 - 3 chuỗi giá trị của năm nay. Hiện nay, hầu hết HTX đều nhận thức muốn phát triển nhanh, bền vững phải sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: “Qua thực tiễn, thấy yếu tố cán bộ trực tiếp là Chủ tịch, Giám đốc HTX là quan trọng nhất. Muốn chuyển HTX từ cũ sang mới, tái cơ cấu thành công theo chuỗi giá trị đều nằm ở sự năng động của lãnh đạo HTX, sự chỉ đạo ráo riết của chính quyền cấp xã và cấp huyện và sự vào cuộc của Liên minh HTX”.
Bên cạnh xây dựng chuỗi, huy động nguồn lực, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng thời gian tới sẽ chú trọng công tác truyền thông.
Ngoài ra về chính sách hỗ trợ, theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, đề án này muốn thành công chắc chắn cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, vốn mồi là đòn bẩy để tạo điều kiện cho HTX huy động nguồn lực của chính họ và từ thị trường.
“Không phải cho không mà là đào tạo, tư vấn, hỗ trợ các HTX. Vốn mồi, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN, cách làm ăn bài bản là chính, chứ không phải nặng nề về hỗ trợ bao nhiêu vốn từ ngân sách”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng Chương trình phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 15.000 HTX hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nếu phối hợp hiệu quả, con số chắc chắn sẽ không dừng ở 15.000 HTX.
“Vai trò của HTX có ý nghĩa hết sức quan trọng cùng với các thành tố quyết định đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển lên giai đoạn mới. Ký kết là nguyên tắc chung, sau đó từng việc một phải cụ thể, khả thi. Tinh thần quyết tâm, trách nhiệm và ý thức. Mục tiêu chung nhưng hành động dồn hết vào mới ra được sức mạnh chung”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, việc phát triển HTX không chỉ có trên lúa, cà phê, mía đường... mà phải dựa trên ba trục sản phẩm: Chủ lực quốc gia, cấp tỉnh/thành phố và đặc sản làng/xã.
“Chỗ nào có sản xuất hàng hóa là phải có thành tố HTX DN liên kết với nông dân. Cần phát triển các HTX trên diện rộng, khắp các vùng miền, dựa vào lợi thế của ngành hàng và liên kết chặt chẽ với DN”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam, đánh giá đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực với nông dân, thành viên HTX. Tránh tình trạng một cơ quan tự làm, không tạo được sức mạnh ba bên.
“Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ triển khai những nội dung trên thành chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể và có giải pháp đi kèm, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, khó khăn, hạn chế, tiến tới toàn thể hội viên và thành viên thực hiện có hiệu quả chương trình ký kết”, ông Lều Vũ Điều khẳng định.
Thy Lê