Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà xã An Lễ đề ra trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp với mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch tiến tới bảo quản. Sau khi học hỏi mô hình cấy máy ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, HTX đã xây dựng kế hoạch mua máy móc và được sự đồng ý, ủng hộ cao từ chính quyền địa phương.
Phục vụ trọn gói
HTX đầu tư mua 2 máy cấy và giàn gieo mạ khay tự động với mục tiêu cung cấp dịch vụ cấy bằng máy, cung ứng mạ cho nông dân trong xã. Lúc đầu đem máy cấy về trình diễn, người dân thấy lạ lẫm và không mặn mà vì cho rằng cây mạ được cấy xuống yếu ớt, mật độ lại thưa. Nhưng qua quá trình cây lúa sinh trưởng, với những ưu điểm như: ít sâu bệnh, giảm chi phí, công sức, năng suất cao lại bảo đảm thời vụ, bà con hưởng ứng tích cực.
Trung bình mỗi vụ, HTX hợp đồng cấy khoảng 40ha cho thành viên. Chất lượng mạ tốt, gieo cấy đúng quy trình kỹ thuật, lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, cho vụ lúa bội thu giúp thành viên tin tưởng vào dịch vụ của HTX.
Chi phí sản xuất mạ và công cấy trung bình 250.000 đồng/sào, trong khi bình thường, nông dân thuê lao động cấy thủ công mất khoảng 300.000 đồng/sào, chưa tính chi phí sản xuất mạ (mua giống, làm đất, mua nilon quây tránh chuột cắn phá...), công sức ngâm ủ, gieo mạ. Bên cạnh đó, An Lễ là xã phát triển đa ngành nên xảy ra tình trạng thiếu lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi vào mùa vụ, việc thuê người cấy rất khó khăn nên không bảo đảm được lịch thời vụ.
Chuẩn bị mạ khay phục vụ cấy bằng máy |
Theo ban giám đốc HTX, sử dụng máy cấy giúp giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha so với phương pháp cấy thủ công. Mặt khác, tốc độ gieo cấy bằng máy cũng vượt trội gấp nhiều lần so với phương pháp thủ công. Với dòng máy cấy dắt tay 4 hàng của Kubota, công suất đạt 3 mẫu/ngày, gấp khoảng 30 lần so với lao động thủ công, nhờ đó tiết kiệm lao động và chi phí đầu tư.
Hiệu quả trong việc sử dụng máy là động lực để HTX đầu tư thêm 1 máy cấy dắt tay 4 hàng Kubota và huy động thêm được 2 máy của tư nhân để vào mùa vụ cùng đồng loạt xuống đồng phục vụ người dân.
Không chỉ mạnh dạn đầu tư máy cấy, HTX còn trang bị thêm máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp để “làm thuê” cho thành viên trọn gói các khâu từ làm đất, cấy, bón phân, chăm sóc, bảo vệ thực vật đến thu hoạch. Chi phí được thảo luận rõ ràng, bảo đảm người dân có thể sử dụng dịch vụ lâu dài.
An toàn được đặt hàng đầu
Việc đầu tư máy móc phục vụ sản xuất là cách giúp “đôi bên cùng có lợi”, nông dân không tốn công trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa nhưng vẫn có sản lượng ổn định, có thời gian làm việc khác để có thêm thu nhập. HTX cũng có thêm nguồn thu, chủ động điều hành các khâu sản xuất.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc đầu tư máy móc vào sản xuất mang lại rất nhiều thuận lợi nhưng cũng tạo ra một số khó khăn trong việc vận hành và sử dụng nhằm bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) đối với con người.
Để nâng cao ý thức và kỹ năng về ATLĐ trong sử dụng máy nông nghiệp, HTX An Lễ đã kết hợp với doanh nghiệp và địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành máy an toàn cho thành viên, người lao động.
Ông Đinh Văn Hồng, thành viên HTX, cho biết ông và nhiều người biết lái máy nông nghiệp nhiều năm nhưng lại thiếu kiến thức xử lý tình huống khẩn cấp khi gặp sự cố. Việc tham gia các khóa học về ATLĐ giúp ông nâng cao được kiến thức cũng như kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp.
Vận hành các loại máy nông nghiệp cũng cần quan tâm đến an toàn lao động |
Là thành viên đảm nhận khâu lái máy gặt đập liên hợp của HTX, anh Lê Văn Phưởng, cho biết vì đặc thù công việc phải làm việc ngoài trời nên anh luôn chủ động giữ gìn sức khỏe, tránh tình trạng ngủ gật hay bỏ đi nơi khác trong khi đang sử dụng máy. “Ngay cả khâu lau chùi dầu mỡ, kiểm tra cũng phải bảo đảm khi máy đã dừng hoạt động hoàn toàn”, anh Phưởng nói.
Theo kế hoạch, hàng năm, HTX trích kinh phí phục vụ việc mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động. HTX phát động phong trào chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn giữa các hộ thành viên và khen thưởng động viên kịp thời những cá nhân thực hiện tốt, bảo đảm đúng các quy định về ATLĐ trong lúc làm việc.
Đến nay, HTX An Lễ trở thành thành phần kinh tế quan trọng, góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp đi đôi với đẩy mạnh cơ giới hóa an toàn tại địa phương. Đây là điều kiện để xã hoàn thành và nâng cao các tiêu chí phát triển kinh tế xã hội trong đó có xây dựng nông thôn mới.
Huyền Trang