Đầu tháng 8-2022, UBND huyện Giồng Trôm tổ chức lễ đón nhận xã nông thôn mới (NTM) Thạnh Phú Đông. Trước đó, ngay từ khi phát động phong trào xây dựng NTM, xã có khởi điểm khá thấp nhưng qua thời gian thực hiện, Thạnh Phú Đông đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được những thành tích đáng ghi nhận.
NTM giúp cải tạo vườn dừa gắn với liên kết theo chuỗi giá trị
Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực của xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm với diện tích hơn 1.000ha, người dân địa phương có truyền thống và kinh nghiệm trong sản xuất dừa. Tuy nhiên, một phần diện tích trồng dừa trên địa bàn xã trước đây chưa đạt năng suất, chất lượng do nhiều nguyên nhân như giống dừa chưa đạt yêu cầu, mật độ trồng quá dày, trồng gối vụ hoặc trồng xen canh không hợp lý, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật của người dân trong canh tác dừa còn hạn chế.
Qua thời gian thực hiện mô hình cải tạo 20 ha vườn dừa có hiệu quả kinh tế thấp, bà con nông dân đã chủ động thực hiện tốt quy trình kỹ thuật được chuyển giao và đầu tư công chăm sóc đã mang lại kết quả thiết thực trên vườn dừa. |
Từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm đã triển khai xây dựng mô hình phát triển sản xuất “Hỗ trợ tổ hợp tác cải tạo vườn dừa kém hiệu quả gắn với liên kết theo chuỗi giá trị" nhằm hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật canh tác dừa, đảm bảo năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu liên kết và tiêu thụ sản phẩm, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế trên diện tích trồng dừa hiện có.
Mô hình được triển khai thực hiện từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng các giải pháp kỹ thuật sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ, Nhật và EU để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Đồng thời khuyến nghị bà con thay thế cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, tỉa thưa những vườn trồng quá dày, đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng vườn dừa.
Qua thời gian thực hiện mô hình cải tạo 20 ha vườn dừa có hiệu quả kinh tế thấp, bà con nông dân đã chủ động thực hiện tốt quy trình kỹ thuật được chuyển giao và đầu tư công chăm sóc đã mang lại kết quả thiết thực trên vườn dừa. Năng suất vườn dừa đạt khoảng 10.800 trái/ha/năm (tương đương khoảng 5 trái/cây/tháng, tăng 0,7 trái/ha/tháng), năng suất tăng 16% so với trước khi thực hiện mô hình và đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các cơ quan địa phương đã phối hợp vận động, thành lập 01 tổ hợp tác cải tạo và chăm sóc vườn dừa theo hướng hữu cơ với 38 hộ tham gia, đa số thành viên (80% số lượng tổ viên) của tổ hợp tác đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), sản phẩm được bán với giá cao hơn giá thị trường từ 5% đến 10%.
Mô hình cải tạo vườn dừa kém hiệu quả gắn với liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Thạnh Phú Đông có khả năng nhân rộng hiệu quả, việc áp dụng theo quy trình kỹ thuật giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo được vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm ngày càng chặt chẽ, bền vững hơn và góp phần thực hiện đạt các tiêu chí số 10, 11, 12, 13 và 17 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác
Thời gian vừa qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xem đây là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã Thạnh Phú Đông đạt 50,01 triệu đồ̀ng/năm, so với quy định là 50 triệu đồng/năm.
Nổi bật là đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp với vốn điều lệ là 577 triệu đồng. HTX đăng ký 25 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành kinh doanh chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu và động vật sống. Đồng thời, HTX vận động thành viên tham gia sản xuất dừa hữu cơ, liên kết với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex).
Hiện nay, có 358 hộ trong và ngoài HTX tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất dừa hữu cơ với 124 hộ là thành viên HTX. Bên cạnh đó, HTX còn thu mua dừa uống nước, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu và mở rộng thêm các dịch vụ nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo thêm việc làm cho thành viên HTX. Xã đã xác định sản phẩm chủ lực là cây dừa, trong đó diện tích trồng dừa là 1.055ha, chiếm 80,37% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã, giá trị sản xuất của trái dừa là 107,5 tỷ đồng.
Nhìn lại quá trình xây dựng xã NTM của Thạnh Phú Đông, ngoài phát triển kinh tế nông thôn, có thể thấy nổi bật nhất là việc thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông. Hệ thống điện được phủ kín toàn xã, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt 98,67%. Đến nay, xã đã không còn nhà tạm, nhà dột nát và có 83,2% nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Phú Đông tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” và cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, để vận dụng vào thực tế lãnh đạo nâng chất các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện từng tiêu chí lên mức cao hơn. Thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân, đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã cần phấn đấu quyết liệt hơn nữa, xây dựng kế hoạch củng cố, giữ vững các tiêu chí NTM và nâng chất từng tiêu chí hoàn thiện cao hơn, vững chắc hơn để tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao.
Việt Nga