Đầu năm 2023, sau nhiều năm nỗ lực, sản phẩm táo của HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Đại Sơn được trao chứng nhận VietGAP, hứa hẹn mở ra một chương mới cho thành viên và các hộ liên kết, phát triển mô hình.
Động lực cho nông thôn mới
Với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, xã Đại Sơn được mệnh danh là “thủ phủ” trồng táo trên địa bàn huyện Sơn Động. Năm 2022, cây táo VietGAP mang lại cho người dân địa phương hơn 14 tỷ đồng.
Trong năm 2023, sản lượng táo toàn vùng dự kiến đạt hơn 400 tấn. Với giá bán bình quân 40-55 nghìn đồng/kg, nhiều người dân dự kiến thu về 150-300 triệu đồng. Kể từ Tết Nguyên đán đến nay, táo được giá, thương lái đặt hàng qua HTX Đại Sơn, bình quân mỗi ngày tiêu thụ trên 30 tấn.
Cùng với sản phẩm táo của HTX Đại Sơn, huyện Sơn Động còn có hàng loạt mặt hàng nông sản thế mạnh, được công nhận 3 sao OCOP, như nấm lim xanh của HTX nấm huyện Sơn Động (xã Cẩm Đàn), cam Xoàn Bắc Giang của HTX Sen Ngọc (xã Vân Sơn), nho đen không hạt của HTX Sinh Lợi (thị trấn An Châu), rượu men lá của HTX Dịch vụ - Thương mại An Lập (xã Vĩnh An)…
Những sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang là động lực để Sơn Động phát triển nông thôn mới (Ảnh: Xuân Thỏa). |
Như sản phẩm nấm lim xanh của HTX Nấm lim xanh Sơn Động ở xã Cẩm Đàn những năm qua đang cho hiệu quả kinh tế rất cao, mang lại thu nhập cao cho thành viên, nông dân liên kết với HTX.
Ông Bế Văn Sáu, Giám đốc HTX Nấm lim xanh Sơn Động, cho biết các thành viên HTX bắt đầu trồng nấm lim xanh theo hướng công nghệ cao, với sự hỗ trợ từ địa phương từ năm 2019.
Nấm lim xanh được trồng trực tiếp dưới tán rừng tự nhiên có nhiều ưu điểm như giúp hệ sợi sinh trưởng, phát triển tốt, ít công chăm sóc, chu kỳ thu hoạch kéo dài hơn; tỷ lệ sống đạt khoảng 86%, sau trồng khoảng hơn 1 tháng là cho thu hái. Mỗi tấn nguyên liệu thu được khoảng 21kg nấm khô. Giá bán trung bình từ 700.000 đến 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí, người trồng thu lãi 300.000- 400.000 đồng/kg.
Nhờ hoạt động hiệu quả, các HTX không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn huyện Sơn Động.
Cần thêm trợ lực mạnh hơn
Khi mới bắt đầu quá trình xây dựng nông thôn mới, Sơn Động được xem là "vùng trũng" về kinh tế của tỉnh Bắc Giang, với 21 xã, địa hình chủ yếu là đồi núi, huyện cũng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai (lũ lụt, sạt lở đất…).
Đặc biệt, huyện có đến 14 dân tộc thiểu số, cùng với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém… Trước khi thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện có tới 14/17 xã, thị trấn được xem là đặc biệt khó khăn và 108/124 thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng II.
Với xuất phát điểm nhiều khó khăn, ngay từ khi bắt đầu, huyện Sơn Động luôn xác định xây dựng nông thôn mới gắn với thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng, trong đó các HTX là một trong những đầu kéo, thực hiện liên kết, hỗ trợ nông dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa.
Để khai thác lợi thế, cùng với phát triển kinh tế rừng những năm qua các địa phương trong huyện tích cực chuyển đổi, phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: vải thiều, táo, ổi, cam...
Năm 2011, khi mới bắt tay vào thực hiện, tổng cộng số tiêu chí hoàn thành của các xã mới đạt 76 tiêu chí, bình quân 3,61 tiêu chí/xã thì đến năm 2022, số tiêu chí hoàn thành của các xã tăng lên hơn 200 tiêu chí, bình quân đạt 13-13,8 tiêu chí/xã.
Bên cạnh đó, có nhiều tiêu chí đạt chất lượng như: Quy hoạch, điện, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, quốc phòng-an ninh, hệ thống chính trị, lao động có việc làm, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, thời gian qua, mỗi năm, huyện có hơn 1.000 hộ thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 5-6%/năm.
Giai đoạn 2021- 2025, toàn huyện đặt mục tiêu xây dựng 6 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và được công nhận chuẩn nông thôn mới bao gồm các xã: Long Sơn, Tuấn Đạo, Vĩnh An, Yên Định, Dương Hưu và Đại Sơn.
Đồng thời, huyện phấn đấu tỉ lệ đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%, tỉ lệ đường thôn và đường liên thôn được cứng hóa đạt 80%.
Để đạt được mục tiêu này, huyện đã bố trí hơn 46,8 tỷ đồng từ các nguồn cho xây dựng nông thôn mới. Số tiền này được UBND huyện Sơn Động tập trung ưu tiên đầu tư cho 14 công trình chuyển tiếp từ năm 2021 và 15 công trình ưu tiên xây mới thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, công trình nhà vệ sinh công cộng, nước sạch…
Bên cạnh đó, huyện yêu cầu các xã tiếp tục tập trung triển khai kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông mới giai đoạn 2021- 2025; lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển trong huyện.
Lệ Chi