Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn mới đây đã ký, ban hành Kế hoạch số 340/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đồng hành cùng KTTT, HTX
Để đạt được các mục tiêu trên, các Sở, ban, ngành, các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như chú trọng phát triển khu vực KTTT, HTX trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Hiện nay, HTX chăn nuôi Yên Bình, xã Hòa Tiến đang tiến hành cung ứng cho Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị với sản lượng 200.000 quả trứng/tháng. |
Bắc Ninh đang huy động tổng lực, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 30% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50 mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao/huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025, nhằm hình thành các vùng nông thôn thực sự đáng sống.
Trên thực tế, không phải đến khi có Kế hoạch 340, tỉnh Bắc Ninh mới chú trọng phát triển KTTT, HTX mà từ nhiều năm nay, đây đã là một trong những mục tiêu hàng đầu của tỉnh, nhất là trong việc đóng góp của khu vực này với phong trào NTM trên địa bàn.
Tại Bắc Ninh, việc phát triển các mô hình HTX đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 218 tổ hợp tác, 1 liên hiệp HTX và khoảng 690 HTX (trong đó, có 542 HTX nông nghiệp, 61 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX xây dựng, 29 HTX Giao thông vận tải, 27 HTX Thương mại - Dịch vụ, 4 HTX Vệ sinh môi trường, 26 Quỹ tín dụng nhân dân. Doanh thu bình quân của HTX đạt 870 triệu đồng/năm; tạo thu nhập 60 triệu đồng/năm/thành viên.
Bắc Ninh đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng HTX kiểu mới. Nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn; gắn nhiệm vụ phát triển HTX với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng Nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp.
Hằng năm, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện các mục tiêu Nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Luật HTX và các văn bản khuyến khích phát triển HTX cho cán bộ, hội viên, thành viên của các HTX, tổ hợp tác, trang trại và người dân trên địa bàn. Tổ chức rà soát, kiểm tra nắm tình hình phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ tư vấn, chỉ đạo, hướng dẫn, củng cố và định hướng phát triển kinh tế tập thể. Từng bước đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý các cấp và các thành viên quản trị HTX.
Liên kết theo chuỗi giá trị để cùng phát triển
Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngày 19/1/2022, huyện Yên Phong được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định và cấp bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đây là địa phương cuối cùng của tỉnh Bắc Ninh cán đích nông thôn mới.
Huyện Yên Phong đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích các HTX nông nghiệp thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.Hiện nay, trên địa bàn hiện có 14 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp cho các sản phẩm lúa, khoai tây, thịt và trứng gia cầm, nghệ tươi và tinh bột nghệ, nấm, cơ giới hóa trong sản xuất. Tổng giá trị sản phẩm qua liên kết và hợp tác là hơn 50 tỷ đồng.
Nhiều HTX nông nghiệp triển khai thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các HTX dịch vụ nông nghiệp Như Nguyệt, Nguyệt Cầu, Vọng Nguyệt (xã Tam Giang), HTX Cổ phần Tấn Phát (xã Đông Tiến) mỗi năm liên kết tiêu thụ 230 tấn khoai tây thương phẩm với Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina; HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Đức Lân (xã Yên Phụ) xây dựng mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô hơn 210ha, cung cấp 520 tấn lúa cho Công ty Giống cây trồng Bắc Ninh; HTX chăn nuôi Cường Thịnh (xã Đông Thọ) cung ứng hơn 10.000 quả trứng cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp…
Hay như HTX chăn nuôi Yên Bình, xã Hòa Tiến, với diện tích chuồng trại gần 5.000m2, tổng đàn 70.000 con, từ năm 2012, HTX được cấp chứng nhận cơ sở sản xuất chăn nuôi an toàn và ký hợp đồng với đơn vị chuyên cung cấp bữa ăn cho các nhà máy ở khu công nghiệp.
Hiện nay, HTX cũng tiến hành cung ứng cho Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị với sản lượng 200.000 quả trứng/tháng. Nhờ vậy đầu ra ổn định, doanh thu mỗi năm của HTX đạt khoảng 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lưu Thanh Tùng, Giám đốc HTX chia sẻ, muốn vào được các doanh nghiệp lớn, muốn tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài, mình phải tạo dựng được uy tín bằng chất lượng sản phẩm. Với mô hình gà đẻ trứng, chúng tôi đã tổ chức lớp tập huấn về chăn nuôi gia cầm cho các hộ theo đúng quy trình bảo đảm an toàn, đồng bộ ở 3 khâu: sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
“Mặc dù chuồng trại của HTX nằm trong mỗi gia đình nhưng hoạt động cung cấp cám công nghiệp, kiểm định, vệ sinh đều thực hiện dưới sự kiểm soát chung. Nhờ khẳng định được chất lượng, hơn 1/3 sản lượng trứng của HTX được tiêu thụ ổn định với giá bán cao hơn khoảng 10% so với giá thị trường. Thời gian tới, HTX tiếp tục tìm kiếm các đối tác tạo thêm niềm tin cho các thành viên HTX”, ông Tùng nói.
Trở lại với mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Được biết, để hoàn thành mục tiêu trên, cùng với việc tiếp tục sát cánh cùng khu vực KTTT, HTX. Tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Triển khai có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách của Trung ương ban hành, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, rà soát nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù của địa phương, trọng tâm là bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn…
Minh Đạt