Ở An Giang hiện nay có gần 17.000 người Chăm là tín đồ Hồi giáo (Islam), sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường, 16 tiểu thánh đường. Người Chăm theo đạo sống quần tụ hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau theo từng xóm, mỗi xóm đều có thánh đường và có 1 vị giáo cả đứng đầu.
“Tương thân tương ái” từ mô hình hay
Họ sống tập trung theo các “xóm”, dọc theo sông Hậu và các nhánh lớn của sông Hậu, thuộc địa bàn các xã: Vĩnh Trường, Đa Phước, Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình (huyện An Phú), xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành)...
Đời sống văn hóa của người Chăm Islam mang đặc điểm tôn giáo thông qua các lễ hội truyền thống, như: Tháng Ramadal (tháng nhịn ăn), Tết Haji, lễ Asura, lễ Tahplah, lễ Moulod...
Ở các làng Chăm trong tỉnh An Giang, những ngôi nhà sàn được cất bằng gỗ với không gian nhà rộng rãi, tinh tế. Nhiều ngôi nhà tường xây mới khang trang trên những xã nông thôn mới.
Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã lập ra nhiều mô hình để giúp phụ nữ Chăm thoát nghèo. |
Cách đây 3 năm, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã thành lập mô hình phụ nữ Chăm, thu hút gần 1.000 hội viên tham gia, thuộc 9 thánh đường ở 5 xã (Khánh Hòa, Châu Phong, Đa Phước, Nhơn Hội, Quốc Thái) nhằm chăm lo cho chị em phụ nữ, “Tương thân tương ái” giúp vốn làm ăn để cùng nhau thoát nghèo.
Là người tham gia sáng lập, chị Sity Hara - Phó Ban Từ thiện - Xã hội Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, cho biết từ trước đến nay, bị ảnh hưởng tập tục xưa, đa phần phụ nữ Chăm chỉ biết việc nội trợ, chăm sóc gia đình, thêu thùa, ít tham gia hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội.
Với vai trò là chủ nhiệm mô hình, chị Sity Hara trở thành cầu nối của nhà hảo tâm đến với hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cộng đồng. Từ đó, giúp đỡ chị em hội viên thêm tự tin thể hiện mình, cùng nhau thoát nghèo.
Theo đó, ngoài việc hỗ trợ thường niên về gạo, nhu yếu phẩm, nhà ở cho chị em có hoàn cảnh khó khăn như trước giờ vẫn thực hiện, mô hình này còn tiến tới triển khai hỗ trợ vốn vay không lãi suất phát triển mô hình kinh tế ngay tại gia đình. Cụ thể, mỗi mô hình được vay từ 5-10 triệu đồng, hoàn trả chậm trong vòng 1 năm. Sau đó, được hoàn vốn, tiếp tục xoay vòng cho hoàn cảnh khác…
Bên cạnh những hoàn cảnh hỗ trợ thường xuyên, các trường hợp đặc biệt phát sinh như: bệnh nặng không có tiền nhập viện, gia đình bị thiên tai, gia đình không có điều kiện để lo chi phí học tập hoặc sách vở đầu năm cho con em, trẻ em mồ côi… Tất cả đều được mô hình phụ nữ Chăm An Giang sẵn lòng hỗ trợ hết mình nhằm giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Thể hiện rõ đường hướng “vì đạo pháp, vì dân tộc”
Chẳng hạn, hoàn cảnh của chị Say Roh (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) rất khó khăn, khi chị bị liệt gần 1 năm, mỗi ngày chị ngồi trên xe lăn để chồng đẩy đi bán vé số. Chồng chị là anh Amin bị tai biến nhẹ, ảnh hưởng đến mắt nên không còn nhìn thấy rõ. Trong khi đó, gia đình còn có 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, nên rất khó khăn. Các thành viên của mô hình đã liên hệ, bàn bạc, cử đại diện đến thăm hỏi gia đình chị Say Roh và gửi phần quà gồm gạo và tiền mặt để chia sẻ khó khăn cùng gia đình.
Thánh đường Hồi giáo của người Chăm ở An Giang. |
“Đối với những trường hợp đặc biệt này, nhóm phụ nữ Chăm An Giang đã hỗ trợ được khoảng 300 trường hợp. Mới đây, nhóm vừa hỗ trợ học bổng 10 triệu đồng giúp đỡ 1 em học sinh ở xã Khánh Hòa (Châu Phú) học đại học năm cuối có điều kiện để tiếp tục học tập”- chị Sity Hara chia sẻ.
Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của mô hình “Phụ nữ Chăm An Giang”, tỉnh An Giang đang tiếp tục rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, để có hỗ trợ cho bà con thoát nghèo bền vững.
Không chỉ với mô hình nêu trên, ông Haji Jacky - Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, cho biết ban đại diện luôn vận động bà con tín đồ sinh sống và hành đạo theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tôn chỉ của giáo lý và lễ nghi tôn giáo.
Ngoài ra, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều thánh đường, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Không chỉ vậy, trong con em đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo, có hơn 160 người du học nước ngoài, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã tìm được việc làm và tham gia vào hệ thống chính trị, các hoạt động văn hóa - xã hội, các đoàn thể quần chúng cùng với người Kinh, Hoa, Khmer…chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp.
Đồng bào Chăm Islam ở An Giang luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do chính quyền địa phương phát động, tăng cường giao lưu thắt chặt khối đại đoàn kết, huy động các nguồn lực chăm lo tốt công tác xã hội - từ thiện, cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong 3 năm qua, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã huy động được gần 20 tỷ đồng thực hiện công tác xã hội - từ thiện. Các hoạt động luôn được duy trì và phát triển, thể hiện rõ đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, thiết thực chia sẻ khó khăn trong cuộc sống với bà con nghèo. Đặc biệt là các hoạt động chăm lo đời sống của bà con tín đồ.
Thanh Loan