Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có 566 HTX, với gần 42.000 thành viên và người lao động (tăng 97 HTX so với năm 2018). Trong đó có 162 HTX thành lập mới, vượt 10,8% mục tiêu Nghị quyết đại hội V đề ra; 263 Tổ hợp tác thành lập mới, đạt 53% so với chỉ tiêu Đại hội V đề ra.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp
Nói đến Thái Nguyên không thể không nhắc tới thế mạnh là cây chè. Trong nhiều năm nay, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và hỗ trợ các HTX trồng chè nói riêng.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Năm 2020, tỉnh sẽ có trên 50 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao Ảnh TL. |
Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước đối với sản xuất chè cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1ha chè; Trà Thái Nguyên tiếp tục được khẳng định vị thế là “Đệ nhất danh trà” với các sản phẩm phong phú có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, khẳng định được thương hiệu với thị trường trong nước và quốc tế…
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thanh Hải, Thái Nguyên cũng tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhanh theo hướng quy mô trang trại, an toàn sinh học. Hiện nay, Thái Nguyên có tổng đàn và sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm lớn thứ 2 trong số các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc; chương trình “mỗi xã một sản phẩm” được triển khai thực hiện tốt, trong năm 2020, tỉnh sẽ có trên 50 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao (sản phẩm OCOP quốc gia).
“Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường liên kết chuỗi và phát triển bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, Bà Hải nói.
Chính những định hướng rõ ràng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đã trở thành “kim chỉ nam”, tạo đà cho khu vực KTTT, HTX bứt lên. Đặc biệt là các HTX nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, số HTX toàn tỉnh lên tới 345/566 HTX, các HTX này hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề trồng và chế biến chè, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và dịch vụ nông lâm nghiệp, trong đó có một số HTX tiêu biểu sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, địa bàn hoạt động rộng, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Một số HTX hoạt động hiệu quả do kinh doanh chuyên sâu, xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, năng động sáng tạo và chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, hạ giá thành các dịch vụ cung cấp cho thành viên và người lao động. Thu nhập bình quân người lao động đạt từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó có một số HTX tiêu biểu sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, địa bàn hoạt động rộng, hiệu quả kinh tế đạt cao có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Trụ đỡ nền kinh tế
Những kết quả trên phần nào đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên thông qua công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, hoạch định chiến lược, xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế tập thể theo từng giai đoạn và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy những thế mạnh của Thái Nguyên, trong giai đoạn tới, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên xác định sẽ tập trung hỗ trợ khu vực KTTT, HTX tỉnh phát triển nhanh, mạnh và trở thành một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế tỉnh.Dù vậy, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cũng thừa nhận, phần lớn các tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các huyện, thành phố, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Mô hình HTX kiểu mới theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự phát huy vai trò quan trọng trong mối liên kết. Việc cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa được quan tâm, nhiều sản phẩm bao bì còn đơn điệu, nên khó thu hút người tiêu dùng; vẫn còn tình trạng HTX ỷ lại, trông chờ vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là các HTX hoạt động theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn gắn với phát triển làng nghề và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh cũng chủ trương khuyến khích thành lập mới HTX, THT, Liên hiệp HTX trên các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của địa phương, hỗ trợ phát triển thêm từ 300 Tổ hợp tác trở lên; 210 HTX trở lên, trong đó có khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp; 03 Liên hiệp hợp tác xã.
Đặc biệt, phấn đấu 100% các huyện, thành phố, thị xã có mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến bền vững. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đến năm 2025 trong THT, HTX tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2020.
Theo Đề án "Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Liên minh HTX Thái Nguyên sẽ tiếp tục thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học, trên Đại học về làm việc tại Hợp tác xã giai đoạn 2020-2025 nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX.
“Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20 HTX được hỗ trợ kinh phí xây dựng theo mô hình HTX kiểu mới, có sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương gắn với chuỗi giá trị. Đến năm 2025, trên 95% HTX có cán bộ quản lý có trình độ trung cấp trở lên, trong đó ít nhất 30% HTX có cán bộ quản lý có trình độ đại học trở lên” ông Dũng nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) Đều là những người nông dân đứng lên “lập nghiệp” theo mô hình HTX, chúng tôi đã được Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên dẫn dắt tận tình từ cách tổ chức sản xuất theo Luật HTX 2012, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đến quảng bá sản phẩm, liên hệ khách hàng. Trong nhiệm kỳ mới, chúng tôi mong Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ các HTX về vốn để mở rộng sản xuất cũng như kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm mở rộng ssaauf ra cho sản phẩm chè và tăng thu nhập cho người dân. Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) Việc thành lập và phát triển mô hình kinh tế hợp tác đã góp phần nâng cao đời sống của thành viên, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX phát triển phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Đối với HTX Tân Hương, Liên minh HTX đã tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ. Ngoài ra, các thành viên còn được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, được hỗ trợ cải tiến máy móc, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm.... Nhiệm kỳ tới, HTX mong muốn Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ HTX tiếp cận với các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, HTX để Tân Hương duy trì sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ và chuyển đổi một phần diện tích sang sản xuất theo hướng hữu cơ; thực hiện liên kết với các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ chè theo chuỗi giá trị bền vững... Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) Qua gần 10 năm xây dựng, phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường, đến nay có thể thấy mô hình HTX kiểu mới là hướng đi đúng đắn giúp sản phẩm miến sạch Việt Cường khẳng định được chất lượng ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện ở mỗi tỉnh, HTX đều có một nhà phân phối. Để sản phẩm của HTX đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, HTX mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Liên minh HTX có nhiều đổi mới, phối hợp cùng các cấp, ngành tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực để vấn đề quản lý cũng như sản xuất kinh doanh được chuyên nghiệp hơn, từ đó, thu hút nhiều người tham gia mô hình HTX. |
Đức Anh