Những năm qua, sản xuất nông nghiệp huyện Ba Bể có bước phát triển khá toàn diện. Toàn huyện đã tập trung đầu tư thâm canh các cây trồng trọng điểm như lúa, ngô, đậu tương, dong riềng, chè, hồng không hạt…
Thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ
Huyện cũng đang phát triển mạnh chăn nuôi gia súc và gia cầm, thực hiện chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Đến nay, toàn huyện đã có trên 20 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao.
Một trong những điển hình trong phát triển sản phẩm OCOP tại Ba Bể là HTX Yến Dương, xã Yến Dương. Để nâng cao hiệu quả, HTX đã thành lập nhiều nhóm sản xuất chuyên trách, thực hiện ký hợp đồng liên kết trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao.
Cụ thể như các nhóm sản xuất bí thơm, nhóm sản xuất lúa Nếp Tài, nhóm sản xuất và chế biến miến dong tráng tay, nhóm sản xuất mướp đắng rừng… Các nhóm đều thực hiện các chương trình hỗ trợ phân bón và hướng dẫn các hộ dân sản xuất theo hướng hữu cơ.
HTX đang góp phần thúc đẩy các sản phẩm OCOP tại Ba Bể (Ảnh: BBK). |
Kết quả, đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPS (hệ thống chứng nhận nông nghiệp hữu cơ). Các sản phẩm sử dụng nguồn nước sạch, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, các chất tổng hợp kích thích tăng trưởng… là bí xanh thơm, gạo Nếp Tài và miến tráng tay.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang trở thành điểm tựa sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên, hộ liên kết. Bà Hoàng Thị Nhung, thành viên HTX Yến Dương, cho biết bí thơm là cây trồng bản địa, trước đây có nhiều hộ tại địa phương trồng mang lại thu nhập cao nhưng gia đình bà chưa dám trồng vì lo không có đầu ra.
Năm 2020, khi có HTX là đầu mối bao tiêu sản phẩm, gia đình bà đã mạnh dạn trồng hơn 2.000m2. Tham gia HTX, bà Nhung không chỉ được bao tiêu sản phẩm mà còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ phân bón. Hiện, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình bà đạt trên dưới 40 triệu đồng.
Tương tự, những năm qua, HTX Hoàng Huynh, xã Khang Ninh cũng có được nhiều thành công tích cực với các sản phẩm chủ lực, được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh như chuối sấy dẻo, trà thảo dược giảo cổ lam, thịt trâu khô.
Đến nay, nhờ sản xuất hiệu quả, HTX đang liên kết, gia tăng thu nhập cho 25 hộ dân địa phương trồng 30ha cây chuối và 20 hộ dân trồng cây thảo dược giảo cổ lam, cung ứng nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho sản xuất. Thu nhập bình quân của các hộ liên kết của HTX hiện đạt bình quân 50-70 triệu đồng/năm.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình
Anh Hoàng Văn Huynh, Giám đốc HTX Hoàng Huynh, cho biết thời gian qua, HTX chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng đến giảm xuất thô, tăng chế biến, vì vậy yếu tố chất lượng đầu vào nguồn nguyên liệu được đặc biệt chú trọng.
Trên cơ sở đó, HTX đã vận động các thành viên và các hộ dân liên kết trồng và chăn nuôi theo hướng hữu cơ, không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ từ phân chuồng, phụ phẩm sau thu hoạch được ngâm ủ và sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.
Nhắc đến các mô hình điểm trong sản xuất hữu cơ ở Ba Bể cũng không thể không nhắc đến HTX Phúc Ba, xã Quảng Khê, với mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, tạo ra các sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Thay vì sử dụng phân bón hóa học, HTX đã sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, thuốc sinh học để diệt trừ sâu bệnh gây hại cây trồng. Năm 2021, HTX trồng 3.000m2 dưa lưới trong nhà lưới, sản lượng đạt hơn 10 tấn quả, "bán đắt như tôm tươi" nhờ chất lượng vượt trội.
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi tất yếu, mang lại giá trị cao cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình điểm, đưa sản xuất hữu cơ trở thành xu thế, bên cạnh sự nỗ lực của các HTX, nông dân, còn cần thêm các chính sách đồng hành, hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ cơ quan chức năng, địa phương.
Năm 2023, huyện Ba Bể tiếp tục đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng diện tích trồng rừng thêm 415ha, phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, huyện đặt mục tiêu có thêm tối thiểu 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao; thành lập mới 3 HTX, 5-7 tổ hợp tác.
Để đạt được các mục tiêu trên, huyện cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao hơn nữa đời sống mọi mặt của người dân, nhất là khu vực nông thôn, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện, với vai trò chủ lực từ các HTX…
Mỹ Chí