Được mệnh danh là “thủ phủ” dong riềng, những năm qua, xã Côn Minh (huyện Na Rì) đang đẩy mạnh mô hình chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường.
Mở đường xuất khẩu
Trên nền tảng thế mạnh của địa phương, HTX miến dong Tài Hoan đã gây ấn tượng mạnh khi thành công xuất khẩu sản phẩm miến dong đạt chuẩn OCOP 5 sao tỉnh Bắc Kạn sang thị trường châu Âu, trong đó có Cộng hòa Séc.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan, cho biết để thành công mở cánh cửa xuất khẩu, HTX đã trải qua hành trình dài trong tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu sạch, ứng dụng kỹ thuật chế biến để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Sau đó là hơn một năm nỗ lực không ngừng khi nhiều lần gửi mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì đóng gói, thủ tục xuất nhập khẩu…
“Để sản phẩm sang được châu Âu là một quá trình mất tới 5-6 tháng chuẩn bị. Đầu tiên về sản xuất thì vùng nguyên liệu phải sạch, sản phẩm phải đồng bộ, chế biến theo quy trình khép kín, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, chất lượng. Sau đó, về mẫu mã, HTX phải sản xuất theo đúng tiêu chuẩn do đối tác yêu cầu”, Giám đốc Nguyễn Thị Hoan nói.
Miến dong của HTX Tài Hoan lên đường sang châu Âu. |
Sau khi gây ấn tượng nhờ vượt qua được những quy định ngặt nghèo để sang trời Âu cách đây hơn 2 năm, sản phẩm miến dong Tài Hoan hiện trở thành mặt hàng hot trên thị trường, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.
Đến nay, để có vùng nguyên liệu sạch, HTX Tài Hoan đã ký hợp đồng liên kết trồng và tiêu thụ củ dong với hơn 500 hộ dân. Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn, những năm qua, HTX xây dựng thêm nhà xưởng mới trên diện tích 6.000 m2.
HTX cũng chủ động đầu tư, hoàn thiện cơ giới hóa với nhiều loại máy móc hiện đại như máy nghiền củ, máy lọc tách bột, máy tráng, máy cắt và hệ thống đóng gói bao bì khép kín...
Cùng với HTX Tài Hoan, HTX Thanh Tâm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, cũng là điểm sáng trong phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn khi xuất khẩu thành công sản phẩm rượu men lá sang thị trường Nhật Bản.
Bà Nông Thị Tâm, Giám đốc HTX Thanh Tâm, cho biết HTX hiện có 24 thành viên, liên kết sản xuất với 11 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất, bán ra thị trường 10.000 lít rượu men lá. Các thành viên của HTX đã mạnh dạn chủ động tìm kiếm đối tác và đưa được sản phẩm sang thị trường khắt khe Nhật Bản.
Thúc đẩy sản phẩm OCOP
Bằng Phúc với độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, khí hậu mát lành, nước lạnh ngọt từ lâu đã nổi danh ở Bắc Kạn với nghề nấu rượu. Doanh thu từ hoạt động nấu rượu và chăn nuôi lợn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại đây ước đạt hơn 65 tỷ đồng/năm.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo huyện Chợ Đồn và ngành chức năng hỗ trợ xã Bằng Phúc, đi đầu là các HTX Thanh Tâm, HTX Bằng Phúc trong xây dựng làng nghề truyền thống nấu rượu gắn với du lịch và định hướng xuất khẩu.
Đây sẽ là hướng đi bài bản để nâng tầm sản xuất một sản phẩm OCOP đặc sản của Chợ Đồn nói riêng và Bắc Kạn nói chung.
Những thành công liên tiếp của các HTX trong xuất khẩu sản phẩm thế mạnh, đặc biệt là các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như châu Âu và Nhật Bản, cho thấy nếu có được sự đầu tư bài bản, sự chủ động trong đổi mới, sáng tạo thì việc chinh phục người tiêu dùng quốc tế là điều hoàn toàn có thể.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hàng loạt sản phẩm thế mạnh, đạt 4 sao OCOP như Trà nụ vối, Trà hoa vàng Bắc Kạn, Trà hoa vàng Bắc Kạn túi lọc phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn); tnh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp, Tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn cao cấp của HTX nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn)...
Ngoài ra còn có Trà thảo dược giảo cổ lam núi đá của Công ty Cổ phần Curmin Bắc Hà, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn); Rượu mơ Asuka, Rượu mơ Dakimo của Công ty TNHH MTV Asuka Việt Nam, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn); Trà Shan tuyết Ngọc Thắng của Công ty TNHH chế biến nông sản và dược liệu Ngọc Thắng, xã Phương Viên (Chợ Đồn)…
Riêng trong năm 2022, Bắc Kạn đã có thêm 52 sản phẩm OCOP mới được công nhận, vượt 260% so với kế hoạch. Tỉnh xem xét, phê duyệt nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao cho 3 sản phẩm; cấp lại giấy chứng nhận cho 42 sản phẩm.
Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phát triển kinh tế hợp tác. Riêng năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thành lập mới 1 liên hiệp HTX, thành lập mới từ 35 HTX và 25 tổ hợp tác trở lên.
Đối với chương trình OCOP, tỉnh củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm đã được công nhận; triển khai rà soát, thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát hiện, xây dựng các sản phẩm mới. Đồng thời, chú trọng kết nối, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm, trong đó chủ chốt là hướng tới xuất khẩu.
Lệ Chi