Kể từ khi được công nhận là huyện nông thôn mới (năm 2020), mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, kinh tế - xã hội huyện Phù Cừ vẫn tiếp tục có bước phát triển đột phá, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn.
Nền tảng chắc để tăng tốc về đích
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, diện mạo nông thôn huyện Phù Cừ đã có những chuyển biến rõ rệt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cao, sản xuất phát triển nhanh, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,3 triệu đồng/năm; giá trị thu trên 1ha canh tác đạt trên 200 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,17% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Hiện, toàn huyện đã có 9/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 thôn đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những tiền đề quan trọng để Phù Cừ tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Ứng dụng công nghệ cao góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Phù Cừ (Ảnh: Int) |
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án xây dựng huyện Phù Cừ đạt nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, định hướng ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng huyện Phù Cừ trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu; kinh tế phát triển toàn diện, bền vững; dân chủ được phát huy, bản sắc văn hóa được bảo tồn, quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững, hệ thống chính trị vững mạnh; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vất chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.
Về lộ trình thực hiện, đến hết năm 2021, huyện có 8 xã đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Tam Đa, Đình Cao, Nhật Quang, Tiên Tiến, Minh Tân, Minh Hoàng, Phan Sào Nam, Tống Phan; giai đoạn 2022-2025 có thêm 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Quang Hưng, Minh Tiến, Nguyên Hòa, Tống Trân, Đoàn Đào. Phấn đấu đến năm 2024, huyện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10/13 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, định hướng ứng dụng công nghệ cao.
Với diện tích đất nông nghiệp đạt hơn 6.000ha, huyện Phù Cừ hiện đã chuyển đổi sang trồng các cây có thế mạnh được khoảng gần 3.000ha, trong đó 2 cây chủ lực là vải trứng Hưng Yên, vải lai chín sớm đạt gần 2.000 ha; cùng với các cây có múi, cây con khác hiện đạt 50% và phấn đấu nâng lên 70% diện tích chuyển đổi.
Trên địa bàn huyện Phù Cừ hiện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với các cây đặc sản có thương hiệu như vải trứng, cam, nhãn lồng, dưa lưới... tập trung ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiến Tiến, Phan Sào Nam...
Vai trò tiên phong của HTX
Trong một lần đến thăm Phù Cừ, GS.TS Nguyễn Lân Hùng lưu ý: “Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từng địa phương phải cố gắng tìm ra các sản phẩm có thế mạnh cho vùng mình. Và có lẽ vải trứng sẽ là sản phẩm xứng đáng nhất cho vùng này để thành sản phẩm OCOP cho bà con nơi đây”.
Hiện nay, tổng diện tích trồng vải của huyện Phù Cừ là 954,3 ha, trong đó 150 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Có 3 vùng (ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Phan Sào Nam) đã được cấp chứng nhận vùng có đủ điều kiện xuất khẩu (vùng được cấp mã số OTAS) ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...
Sản phẩm đạt chuẩn VietGAP và được gắn sao OCOP rộng đường vào các kênh phân phối với giá bán cao (Ảnh: TL) |
Loại vải lai chín sớm Phù Cừ đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2016, được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, được hỗ trợ ứng dụng quy trình thực hành sản xuất tốt và hỗ trợ chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, đồng thời có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp có thông tin đầy đủ, nhanh chóng về sản phẩm.
Khai thác và phát huy thế mạnh này, nhiều HTX trong huyện Phủ Cừ, như HTX nông nghiệp Quyết Tiến, HTX nông nghiệp Thắng Lợi, HTX nông nghiệp Minh Tiến… đã đầu tư khoa học công nghệ để trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đáng chú ý, vải trứng là giống vải khó tính, thông thường cho thu hoạch cách năm, nghĩa là một năm được mùa sẽ xen một năm mất mùa. Tuy nhiên, do áp dụng kỹ thuật tốt, trồng vải theo quy trình VietGAP, nhiều hộ trồng đã khắc chế được hạn chế này để vải ra hoa đều hàng năm. Có những cây vải cho năng suất 350 - 400 kg/năm, mang lại thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Một thành viên HTX nông nghiệp Quyết Tiến cho biết: “Từ khi cây vải trứng được công nhận OCOP 4 sao, chúng tôi thấy được hưởng lợi rất nhiều. Giá bán sản phẩm tăng dần qua các năm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật và trồng và chăm sóc vải trứng để mẫu mã, chất lượng ngày một nâng cao. Cùng với đó sẽ mở rộng thêm diện tích trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Trong khi đó, đại diện HTX nông nghiệp Minh Tiến chia sẻ, sản phẩm vải lai chín sớm của HTX được xếp hạng OCOP 3 sao vào năm 2021. Sau khi được chứng nhận OCOP, các thành viên sản xuất theo hướng tích cực hơn, từ đó người tiêu dùng càng tin tưởng hơn vào sản phẩm của HTX, lượng đặt hàng cũng cao hơn và giá tốt hơn.
Thời gian qua, để xây dựng thương hiệu vải lai chín sớm, huyện Phù Cừ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất vải lai chín sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký sản phẩm OCOP. Theo đó, huyện yêu cầu các phòng chức năng, hướng dẫn người trồng vải tuân thủ quy trình sản xuất nhằm cung ứng sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ, vải trứng Hưng Yên có chất lượng tốt, an toàn đến người tiêu dùng.
Trong công tác xây dựng sản phẩm OCOP thời gian tới, việc phát triển mạnh các hình thức tổ chức liên kết sản xuất; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sản phẩm cũng sẽ được huyện Phù Cừ chú trọng. Đặc biệt, các chủ thể là HTX tiếp tục được xác định là lực lượng quan trọng trong phát triển các đặc sản của địa phương.
Đáng chú ý, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, năm 2020, Hội đồng KH&CN tỉnh Hưng Yên đã có kế hoạch triển khai thực hiện 16 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực NN&PTNT với tổng kinh phí trên 6,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng với cây vải có 2 đề tài: nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục hiện tượng ra quả cách năm, góp phần tăng năng suất của giống vải lai trứng tại huyện Phù Cừ; nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đẩy sớm thời vụ và rải vụ thu hoạch giống vải lai tại huyện Phù Cừ.
Phương Linh