Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12) cho biết, người nuôi cá sấu đang gặp khó khi phải chịu giá bán thấp hơn giá thành trong thời gian dài.
Giá bán thấp hơn giá thành
Hiện nay, giá cá sấu ở mức 50.000 – 60.000 đồng/kg trong khi giá thành nuôi khoảng 90.000 đồng/kg. Dù giá rất thấp nhưng vẫn rất khó bán vì các công ty thu mua chế biến các sản phẩm từ cá sấu đang phải thu hẹp sản xuất, giảm mua nguyên liệu do đầu ra khó khăn.
Giá bán cá sấu thấp hơn giá thành khiến nhiều HTX điêu đứng (Ảnh: TL) |
Trong năm 2018 và đến giữa năm 2019, giá cá sấu dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, giá bắt đầu sụt giảm. Đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 đã khiến cho giá cá sấu lao dốc cho đến nay.
Riêng hồi quý I/2020, giá trị xuất khẩu cá sấu của Tp.HCM chỉ vỏn vẹn 40 triệu đồng, gồm 25 tấm da cá sấu và 30 sản phẩm da cá sấu được xuất sang Nhật Bản.
Trong khi đó, cách đây 2 năm, xuất khẩu cá sấu của Tp.HCM đạt gần 106 tỷ đồng, gồm: 28.500 tấm da cá sấu, hơn 6.800 con cá sấu sống, gần 6.800 bộ sản phẩm làm từ da cá sấu và hơn 3 tấn thịt cá sấu. Các thị trường nhập khẩu cá sấu và sản phẩm cá sấu là: Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga…
Theo ông Thành, thị trường chính của cá sấu sống là Trung Quốc đã bị "đóng băng" do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ mấy tháng trước và chưa biết bao giờ mở lại do mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch. Đối với thị trường nội địa, các mặt hàng thời trang từ da cá sấu cũng không bán được vì người mua chính là du khách quốc tế. Trong khi đó, lượng cá sấu tăng đột biến cũng là một áp lực lớn. Với khoảng 200.000 con, Tp.HCM là một trong những địa phương có sản lượng cá sấu nuôi hàng đầu ở phía Nam.
Ông Thành cho rằng khi phong trào nuôi cá sấu rầm rộ từ năm trước thì những lo ngại và cảnh báo tình hình tồi tệ sẽ xảy ra. Một phần do người dân bị cuốn theo phong trào nên chỉ một thời gian ngắn, lượng cá sấu tăng đột biến.
Riêng tỉnh Đồng Nai có gần 300 cơ sở nuôi cá sấu với hơn 100.000 con, Cà Mau gần 300.000 con, Tp.HCM và Bạc Liêu mỗi địa phương khoảng 200.000 con.
Cần liên kết với nhau
Nghề gây nuôi cá sấu với sự tham gia tích cực của các HTX trong thời gian qua cũng đã góp phần vào chương trình xoá đói giảm nghèo (cụ thể như ở quận 12), chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn Tp.HCM.
Như HTX cá sấu giống Nam Bộ (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, Tp. HCM) với trang trại quy mô khoảng 11.000m2 đất ruộng. HTX đang có 4 hồ nuôi cá sấu bố mẹ với 409 con cá sấu bố mẹ và 40 chuồng nuôi (úm) cá sấu con. Nguồn cá sấu bố mẹ đảm bảo chất lượng, quy trình nuôi khoa học, số lượng trứng và tỷ lệ ấp nở cá sấu của HTX luôn khá cao.
Hoạt động của các HTX nuôi cá sấu đã góp phần tăng cường xuất khẩu sản phẩm, có lợi thế cạnh tranh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động vùng nông thôn ngoại thành, làm sinh động hơn đời sống xã hội với các khu du lịch sinh thái của Tp.HCM.
Hoạt động nuôi cá sấu ở Tp.HCM cần liên kết tốt hơn để vượt qua khó khăn (Ảnh: TL) |
Thực tế, cá sấu có thị trường rất tốt ở nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam hiện do ảnh hưởng yếu tố từ thương lái Trung Quốc. Ban đầu, thương lái mua cá sấu giá rất cao, người dân thấy vậy liền ào ạt mở trang trại nuôi cá sấu quy mô lớn, đến khi thị trường cung cấp cá sấu nhiều lên thì cũng là lúc thương lái Trung Quốc tự hạ giá cá sấu xuống khiến nhiều người phải than trời vì lỗ vốn.
Nghề nuôi cá sấu ở Tp.HCM gặp bấp bênh một phần cũng do các hộ nuôi thiếu liên kết về thị trường tiêu thụ nên giá cả đa phần phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái
Giới chuyên gia cho rằng hoạt động nuôi cá sấu ở Tp.HCM hay các địa phương cần liên kết lại với nhau. Để đầu ra cá sấu ổn định, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX. Đối với trại cá sấu thì nên vừa lấy thịt, da và cao cá sấu để chế biến món ăn và hàng thời trang để tránh bị tác động nhiều bởi thị trường.
Thanh Loan