Một trong những chuỗi nông sản gặt hái được nhiều thành công của thành phố Hà Nội là lúa gạo. Hiện, Hà Nội đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo Japonica và gạo chất lượng cao: “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ”, “Gạo Japonica Mỹ Thành - Mỹ Đức”, “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai”.
Bước ngoặt từ các chuỗi
Thành phố cũng xây dựng và duy trì 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica thông qua phát triển chuỗi giá trị giữa HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) và Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam, Công ty Bảo Minh. Hay HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ).
Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, bà Trịnh Thị Nguyệt cho biết các thành viên HTX đang áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt, không sử dụng phân hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, chỉ được bón phân theo quy định. Lúa sau khi thu hoạch sẽ được doanh nghiệp thu mua ngay tại đầu bờ, sau đó đưa đi sấy khô xuống 15% trong 24h và sơ chế thành gạo. Sản phẩm được bảo quản trong phòng lạnh, được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Với sự chú trọng về chất lượng, sản phẩm lúa hữu cơ Đồng Phú không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Đức và đang hướng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đặc biệt, định hướng trong chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX Đồng Phú không chỉ dừng lại ở phát triển nông nghiệp hữu cơ mà còn tiến tới xây dựng mô hình nông nghiệp du lịch hữu cơ sinh thái để nâng cao giá trị sản xuất.
![]() |
Rau sạch Chử Tâm của HTX Văn Đức đủ điều kiện vào các kệ siêu thị và xuất khẩu sang một số thị trường. |
Theo đánh giá của ngành chức năng, sự liên kết giữa HTX và doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị đã giúp huyện Ứng Hòa dẫn đầu thành phố Hà Nội về diện tích lúa Japonica (chủ yếu là giống J02). Hiện, các hộ dân, thành viên HTX trong huyện đang sản xuất hơn 3.400ha/vụ, chiếm gần 50% diện tích lúa J02 toàn thành phố và cũng là nguồn nguyên liệu chất lượng để các doanh nghiệp thu mua phục vụ xuất khẩu.
Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy chia sẻ, để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hàng hóa, HTX đã cung cấp các dịch vụ đầu vào cho bà con. HTX cũng xây dựng các giàn sấy lúa và cơ sở chế biến. Chính vì vậy mà sản phẩm gạo hữu cơ của HTX hiện vừa phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu sang một số nước.
Lúa gạo chỉ là một trong những chuỗi giá trị nông sản chủ lực có tiềm năng xuất khẩu của thành phố Hà Nội. Để phát huy những thế mạnh của các địa phương, thành phố đã giao cho các huyện phát triển các chuỗi nông sản thế mạnh, chủ lực khác như chăn nuôi, rau màu, hoa, bưởi, dược liệu…
Ngay như chuỗi giá trị bưởi, đến nay, thành phố xây dựng được khoảng 10 vùng trồng bưởi đỏ Tân Lạc và các giống bưởi đặc sản theo chuỗi giá trị, quy mô 500ha; năng suất quả tăng khoảng 14% (25 tạ/ha) cho hiệu quả kinh tế đạt gần 600 triệu đồng/ha.
Hay như với thế mạnh về chăn nuôi, Hà Nội đã xây dựng được 11 chuỗi giá trị thông qua các HTX. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi này cung cấp cho thị trường 15 tấn thịt lợn, 7 tấn thịt gia cầm, 105.000 quả trứng, 105 tấn sữa tươi, 1 tấn thịt bò... Nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các phân phối, cửa hàng tiện tích, bếp ăn tập thể để tiêu thụ ổn định sản phẩm chăn nuôi với giá trị gia tăng từ 10 - 15% như HTX chăn nuôi Hoàng Long, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm…
Nâng cao xuất khẩu
Có thể thấy, đến nay ngành nông nghiệp Hà Nội chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho mặt hàng nông sản chủ lực, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu thông qua mối liên kết chặt chẽ giữa HTX. Dù số lượng xuất khẩu nông sản chủ lực còn khiêm tốn nhưng đây là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp Thủ đô khẳng định thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, thành viên HTX.
Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), ông Nguyễn Văn Minh cho biết toàn xã hiện có 220ha rau an toàn, trong đó 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP.
Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường 40-50 tấn rau các loại (rau ăn lá, rau ăn củ, rau gia vị...). Trong số đó, khoảng 60-70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn như: Coop Mart, Metro, AEON… và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội; còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Đặc biệt, HTX đang duy trì xuất khẩu 300-500 tấn/năm sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Trao đổi về hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực của thành phố thời gian qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, thành phố đã có một số sản phẩm nông sản mũi nhọn chất lượng cao như: Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; rau Văn Đức xuất khẩu sang Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...
Ngoài ra, Hà Nội hiện có 16 mã số vùng trồng cây ăn quả, 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở phục vụ xuất khẩu. Đến nay, thành phố đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu. Đây là một trong những đòn bẩy để các doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu nông sản có thế mạnh của Hà Nội.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn một số hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn như quy mô nhỏ lẻ, chưa có nhiều chuỗi bảo đảm từ sản xuất đến chế biến, bao tiêu, nhất là đối với các chuỗi chăn nuôi hiện vẫn giết mổ nhỏ lẻ, tiêu thụ phần lớn qua chợ cóc, chợ tạm..., dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa nâng cao giá trị gia tăng.
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục thu hút, tạo điều kiện cho các HTX liên kết với doanh nghiệp chế biến hoặc hỗ trợ các HTX có tiềm lực xây dựng nhà máy chế biến nông sản sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn quốc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, cần rà soát cơ chế, chính sách liên quan, nhất là các chính sách về đất đai, tín dụng, vốn, xúc tiến thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các HTX. Nếu tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển cũng đồng nghĩa với việc thành phố dễ dàng thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi và thúc đẩy xuất khẩu.
Tùng Lâm