Từ nguồn vốn cho vay của Quỹ TDND An Ninh, nhiều gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng cho hàng trăm lao động địa phương.
Đi lên từ đồng vốn vay Quỹ TDND
Anh Phạm Quý Hơn là người khuyết tật ở thôn Dục Linh 2, xã An Ninh. Gia cảnh khó khăn, bản thân khuyết tật nhưng anh luôn có ý thức, nghị lực vươn lên bằng việc chăn nuôi, trồng trọt. Ban đầu ít vốn, anh chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh.
![]() |
Cán bộ, nhân viên Quỹ TDND An Ninh phục vụ khách hàng là người dân địa phương. |
Từ năm 2008, anh Hơn đã tiếp cận và làm thủ tục vay vốn từ Quỹ TDND An Ninh, dù số vốn chưa nhiều nhưng anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn và đào ao thả cá. Thấy anh Hơn quyết tâm làm ăn phát triển kinh tế, gia đình và người thân đã động viên, đồng thời đứng ra bảo lãnh cho anh tiếp cận được nguồn vốn lớn hơn để đầu tư mở rộng mô hình nuôi lợn kết hợp thả cá.
Sau hơn 10 năm vay vốn sản xuất, đến nay trang trại của anh Hơn nuôi vài trăm con lợn, 4ha ao thả cá và 30 con trâu, tổng nguồn vốn gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, bình quân lợi nhuận đạt hơn 500 triệu đồng/năm.
Sản xuất, kinh doanh hiệu quả, anh Hơn cũng có ý thức trách nhiệm cao trong việc hoàn trả vốn và lãi suất cho Quỹ theo đúng định kỳ, nên được Ban lãnh đạo Quỹ đánh giá cao và sẵn sàng giải ngân cho vay khi có nhu cầu.
“Hiện nay, với quy mô sản xuất ngày càng phát triển, số vốn vay 1 tỷ/lần không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, chưa khai thác hết tiềm năng. Do vậy, tôi đề nghị Quỹ TDND An Ninh nâng mức vốn cho vay cao hơn nữa để tôi sản xuất, kinh doanh”, anh Hơn chia sẻ.
Cũng được vay vốn từ QTDND An Ninh để mở rộng sản xuất, kinh doanh, gia đình anh Vũ Văn Thiệc, ở thôn Vạn Phúc, xã An Ninh đã đưa sản phẩm in chiếu cói ở địa phương trở thành thương hiệu nông thôn tiêu biểu do Bộ Công Thương công nhận.
Anh Thiệc cho biết, năm 2006, gia đình anh chỉ đầu tư 2 máy dệt chiếu để bán tại thị trường địa phương. Năm 2012, được vay vốn từ Quỹ, gia đình mạnh dạn đầu tư thêm 9 máy dệt chiếu và mở rộng cơ sở sản xuất và thị trường tiêu thụ tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng...
Xác định muốn đứng vững trên thị trường thì cơ sở sản xuất phải uy tín và có thương hiệu. Để thực hiện tốt việc này, anh Thiệc luôn có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, năm 2019, cơ sở sản xuất và in chiếu cói Đức Thiệp của gia đình anh được Bộ Công Thương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong cả nước.
Trong năm 2020, dù nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng chiếu cói Đức Thiệp vẫn duy trì sản xuất, tạo việc làm cho 60 lao động, thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Nhờ được vay vốn từ QTDND An Ninh, nên xưởng dệt và in chiếu của anh Vũ Văn Thiệc (áo xanh, ngoài cùng bên trái) đã mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho 60 lao động. |
Góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao
Ông Vũ Ngọc Đoái, Phó Giám đốc Quỹ TDND An Ninh cho biết, Quỹ thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1995. Trong quá trình hoạt động, nhận thấy người dân tại khu vực còn nghèo, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất rất lớn nên ban lãnh đạo Quỹ đã quyết định mở rộng đối tượng phục vụ ra các xã lân cận bằng việc xây dựng 2 văn phòng giao dịch tại xã An Cầu và An Vũ.
"Ngoài việc triển khai cho vay vốn, năm nay, Ban quản trị xác định phải đồng hành với người vay trong việc tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, toàn bộ khách hàng được giảm lãi suất từ 10,2%/năm xuống còn 9,97%/năm", ông Đoái nói.
Theo tìm hiểu, đến nay Quỹ TDND An Ninh đã thu hút 3.417 thành viên, vốn sở hữu 10 tỷ đồng, huy động tiền gửi đạt 317 tỷ đồng, dư nợ cho vay 218 tỷ đồng, nộp ngân sách 297 triệu đồng. Hiện, Quỹ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu vay của nhân dân 3 xã An Ninh, An Vũ, An Cầu, các ngân hàng đáp ứng 10% còn lại.
Bên cạnh đó, Quỹ còn tích cực chung tay với chính quyền địa phương tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo, trao tặng quà, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc gia đình chính sách và ủng hộ các cuộc vận động khác tại địa phương.
Ông Nguyễn Giao Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã An Ninh cho biết, Quỹ TDND An Ninh đã góp phần tích cực vào công tác hỗ trợ giúp người dân địa phương vay vốn sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
"Nhờ được vay vốn sản xuất, nhiều hộ dân địa phương đã vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã An Ninh theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 3%, trong đó chủ yếu là người khuyết tật. An Ninh cũng là xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Chúng tôi đang phấn đấu sớm về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới”, ông Hưởng nói.
Phạm Duy