Tại xã Quảng Phương, mô hình kinh tế tập thể, HTX ngày càng phát triển về số lượng và hoạt động hiệu quả. Hiện, trên địa bàn xã có 4 HTX. Trong đó, HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và được bày bán tại các siêu thị trong, ngoài tỉnh; HTX Sản xuất và dịch vụ sen ngon Quảng Phương với sản phẩm đã có thương hiệu được bày bán tại các siêu thị trong tỉnh và ngoài tỉnh; 3 tổ hợp tác nuôi bò lai sinh sản ở thôn Pháp Kệ; 1 tổ hợp tác trồng nấm sò và nấm linh chi; 1 tổ hợp tác làm chổi đót... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các lao động nhàn rỗi sau mùa vụ.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Năm 2008, HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương (xã Quảng Phương) được thành lập đã thu hút nhiều lao động trong vùng cùng tham gia xây dựng thương hiệu mây xiên Quảng Phương. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho các lao động lúc nông nhàn, HTX còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
![]() |
HTX Sản xuất và dịch vụ sen ngon Quảng Phương trồng sen theo quy trình VietGAP |
Để giữ nghề, bà Phan Thị Thủy, Giám đốc HTX đã một mình lặn lội nhiều chuyến kết nối đầu ra và nguồn nguyên liệu. Hiện nay, sản phẩm mây xiên gia dụng của HTX được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP. Ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm mây xiên Quảng Phương đã có mặt ở thị trường các tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và TP. Đà Nẵng...
Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường, HTX đã quảng bá sản phẩm qua các kênh như website, Facebook, Zalo, tham gia các hội chợ...
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm và tăng số lượng đầu ra, HTX đã kết nối với các địa phương trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề mây xiên cho người dân nông thôn. Từ những lớp đào tạo này, HTX đã kết nạp thêm các thành viên và số lượng sản phẩm làm ra hàng năm cũng tăng lên.
Năm 2015, HTX đã sản xuất trên 20.000 sản phẩm các loại từ mây xiên, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng. Đến năm 2017, HTX đã sản xuất trên 25.000 sản phẩm các loại, doanh thu đạt 2,1 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 3,1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng; năm 2022, doanh thu của HTX đạt trên 4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Trên địa bàn xã Quảng Phương còn có HTX Sản xuất và dịch vụ sen ngon Quảng Phương cũng có vai trò quan trọng góp phần hoàn thành tiêu chí phát triển kinh tế trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
HTX sản xuất và dịch vụ sen ngon Quảng Phương được thành lập vào cuối năm 2019, có 15 hộ gia đình tham gia sản xuất, với khoảng 22ha diện tích trồng sen lấy hạt.
Hiện nay, sản phẩm sen hạt củả HTX đạt chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP). Mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện với diện tích 20 ha trồng sen hạt, sản lượng trung bình là 40 tấn/năm tại huyện Quảng Trạch. Đồng thời, sản phẩm sen chế biến của HTX đạt chứng nhận chuẩn OCOP, mang lại nguồn thu ổn định cho hàng chục lao động trên địa bàn xã.
Tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động
Nhiều HTX trên địa bàn huyện Quảng Trạch ra đời không chỉ tạo lập thương hiệu và chỗ đứng cho mình mà còn tạo được nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Tiêu chí thu nhập của người dân trên địa bàn nhờ đó cũng được nâng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Theo nhận định của UBND xã Quảng Phương, đa số HTX phát huy tốt vai trò sản xuất, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đáp ứng các khâu cơ bản của dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tham gia dồn điền đổi thửa, hướng dẫn và tạo điều kiện cho nông dân sản xuất theo quy hoạch. Nhờ đó đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,89%.
![]() |
Các HTX ra đời đã tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. |
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc HTX Mây tre đan Quảng Tiến (xã Quảng Tiến) cho hay: Với mục tiêu khôi phục lại nghề đan lát truyền thống của địa phương, năm 2016, HTX Mây tre đan Quảng Tiến đã được thành lập. Với số lượng 16 thành viên, từ khi thành lập đến nay, HTX luôn duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm, thu nhập thêm cho hàng chục hộ dân trong địa bàn xã với khoảng 3 triệu đồng/người/tháng vào những lúc nông nhàn.
Tương tự, năm 2021, HTX Chăn nuôi gà đồi Quý Chiên được thành lập. Dù mới ra đời nhưng HTX đã nhanh chóng khẳng định được tiềm năng kinh tế của mình.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Chiên, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Quý Chiên cho biết: “Nhận thấy tiềm năng của vùng gò đồi miền núi xã Quảng Thạch phù hợp với việc chăn nuôi, năm 2015, vợ chồng tôi đã mạnh dạn bắt tay vào nuôi gà. Ban đầu là vài chục con, dần dần thấy việc chăn nuôi gà ở vùng gò đồi hiệu quả, chúng tôi đã đầu tư mở rộng chuồng trại để chăn nuôi với số lượng lớn hơn. Ngoài chăn nuôi gà, vợ chồng tôi còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt. Để có thể phát triển mạnh, bền vững hơn, năm 2021, chúng tôi quyết định đứng ra vận động thành lập HTX. Hiện tại, HTX Chăn nuôi gà đồi Quý Chiên có 10 thành viên. Với quy mô chăn nuôi lớn và số lượng thành viên nhiều nên trong năm qua, HTX đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, trung bình mỗi lao động có thu nhập khoảng từ 4-6 triệu đồng/tháng".
Nhân rộng mô hình HTX
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Trạch thông tin: Xác định mô hình kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện đã có những chính sách khuyến khích người dân thành lập mô hình kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể.
Bên cạnh tạo điều kiện hỗ trợ các nguồn vốn ưu đãi cho các tổ hợp tác, HTX để mở rộng quy mô, đa dạng các hình thức sản xuất kinh doanh, huyện Quảng Trạch còn tích cực chỉ đạo các ban, ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng công tác quản lý, tiếp cận thông tin thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
Nhờ đó, nhiều HTX được thành lập không chỉ khẳng định được năng lực phát triển mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Những hiệu quả mà mô hình kinh tế tập thể, HTX mang lại trong thời gian qua đã góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới của từng địa phương nói riêng và huyện Quảng Trạch nói chung.
Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 114 tổ hợp tác, 20 HTX, trong đó 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Hàng năm, các HTX đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của các HTX đã giúp các địa phương đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đẩy mạnh phát triển các HTX, trong thời gian tới, huyện Quảng Trạch tiếp tục khuyến khích, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế tập thể thông qua tổ hợp tác, HTX nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Hoàng Hà