Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo “cú hích” quan trọng để địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng (NTM). Những năm gần đây, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nhiều HTX, cá nhân trên địa bàn xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Nông dân “lên đời” từ HTX
Nói về các mô hình HTX nông nghiệp điển hình ở Hiệp Hòa, không thể không nhắc HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng) với quy mô 8.000m2 nhà màng chuyên sản xuất: dưa lưới, nho hạ đen, rau cao cấp các loại... Dù mới chỉ thành lập từ năm 2017, nhưng đến nay, HTX đang tạo việc làm ổn định cho 60 thành viên.
Mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà màng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân Hiệp Hòa |
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX chia sẻ: Trước đây, hầu hết các hộ gia đình tại thôn Đồng Tâm 3 chủ yếu canh tác theo tập quán cũ, việc trồng và chăm sóc rau, củ kiểu “mạnh ai nấy làm” nên thường xuyên xảy ra giá cả bấp bênh khiến người trồng lo lắng.
Phát huy lợi thế ở địa phương, HTX Đồng Tâm 3 được thành lập và đi vào hoạt động với mục tiêu tập trung ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông sản sạch và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho bà con nông dân.
Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của thành viên cùng ban lãnh đạo, HTX đã gặt hái được “quả ngọt”, trung bình mỗi ngày xuất bán 100 kg rau sạch cho các cửa hàng ở trong và ngoài tỉnh, đầu ra ổn định.
Không những vậy, năm nay, HTX Đồng Tâm 3 lại tiếp tục sản xuất 9 loại rau xà lách theo công nghệ BLOF Nhật Bản và đầu tư 600 triệu đồng xây dựng kho lạnh, nghiên cứu trồng nấm đông trùng hạ thảo.
Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường hơn 30kg nấm, với giá bán lẻ sản phẩm tươi 300.000 đồng/hộp (110g); sau khi sơ chế, sấy khô, nấm đông trùng hạ thảo có giá bán 550.000 đồng/hộp (10g). Sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, hiện đã có mặt tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
Cũng chọn cách làm nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp nhà màng của HTX nông nghiệp chất lượng cao Anh Thư (xã Thanh Vân) được đầu tư bài bản, với quy mô 5.000m2 trồng nho và 2.050m2 trồng rau các loại.
Năm 2017, được hỗ trợ 50 triệu đồng của UBND huyện, đến nay, mô hình sản xuất nông nghiệp cao của HTX phát huy hiệu quả. Theo đó, trung bình mỗi ngày HTX ký với các đối tác cung ứng khoảng 1 tấn rau, củ, quả, thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.
Song hành với sự phát triển của HTX là sự phát triển trong phong trào xây dựng NTM của địa phương. Diện mạo nông thôn của hai xã Thường Thắng, Thanh Vân đều đã có những chuyển biến tích cực. 100% đường giao thông trải nhựa, hạ tầng thủy lợi, điện, trường, trạm... được huyện Hiệp Hòa quan tâm nâng cấp đầu tư đồng bộ, phù hợp với quy hoạch.
Từ thực tiễn hai mô hình HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3 và HTX nông nghiệp chất lượng cao Anh Thư cho thấy, tổ chức sản xuất chính là yếu tố quan trọng, giúp Hiệp Hòa thắng lớn khi năng suất tăng 5-7 lần, nông dân “lên đời” thu lợi cả tỷ đồng.
“Mở lối” cho mô hình công nghệ cao
Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2020, Hiệp Hòa đã phân bổ 83 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh, huyện để thực hiện hơn 200 dự án, công trình. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng đối với các xã xây dựng NTM và NTM nâng cao, 4,3 tỷ đồng đối với các thôn NTM, thôn NTM kiểu mẫu.
Vườn nho hạ đen của HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3. |
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, nếu như giai đoạn năm 2010, trong tổng số 24 xã của Hiệp Hòa, bình quân chỉ đạt 7,1 tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, 12 xã đạt 19 tiêu chí, 12 xã đạt 15-18 tiêu chí, có 71/90 thôn được công nhận đạt chuẩn. Thu nhập bình quân/người năm 2020 khoảng 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,05%, cận nghèo còn 3,5%.
Nhằm nâng cao hiệu quả NTM, “mở lối” cho các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, hiện nay huyện Hiệp Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Đồng thời, xây dựng dự án quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại để phát triển vùng tập trung quy mô lớn; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
Ông Bộ cho biết, đến nay, toàn huyện có 37 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới, quy mô từ 1000-3000m2 tại các xã: Châu Minh, Đông Lỗ, Hoàng Lương, Đoan Bái…
Đồng thời, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn, hữu cơ tại các xã Đoan Bái, Thường Thắng, Quang Minh, Danh Thắng với quy mô trên 10.000 con/lứa; Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, thức ăn, quản lý nguồn gốc giống gà, thụ tinh nhân tạo, ấp nở tập trung tại các xã Danh Thắng, Hùng Sơn, Thường Thắng quy mô 5 triệu gà giống thương phẩm/năm…
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, các nhà lưới, nhà màng có quy mô từ 2.000-3.000m2 được áp dụng hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt... mang giá trị kinh tế đạt bình quân 2,1 tỷ đồng/ha.
Cùng với việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện đã chỉ đạo xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình liên kết đầu ra với các công ty, tập đoàn lớn như: Tập đoàn ORION sản xuất, chế biến khoai tây, Công ty GOC sản xuất tiêu thụ dưa chuột, Công ty Samsung Thái Nguyên tiêu thụ các loại rau ăn lá…
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa tiếp tục kiên trì mục tiêu kép, vừa nỗ lực phòng, chống dịch, vừa bám sát kế hoạch, dồn sức để về đích NTM. Từ đầu năm đến nay, huyện liên tục bổ sung kinh phí từ ngân sách và các nguồn vốn khác hàng chục tỷ đồng cho các xã xây dựng NTM.
“Trên cơ sở kết quả đạt được sau 10 năm xây dựng NTM, cùng với những bài học kinh nghiệm đúc rút được, chắc chắn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí. Trong đó, giải quyết những vướng mắc phát sinh để tạo đột phá trong tiêu chí môi trường, văn hóa, trở thành huyện NTM vào năm 2021”, ông Hoàng Công Bộ, chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa nói.
Tô Thương