Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ quan trọng của huyện. Vì vậy, ngoài việc chủ động xây dựng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, chú trọng huy động nguồn lực đầu tư gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Trong giai đoạn mới, chương trình xây dựng NTM nâng cao của huyện Phong Ðiền tiếp tục được triển khai và thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao; chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Huyện Phong Điền đang rà soát, nâng chất các tiêu chí tiến tới hoàn thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của TP Cần Thơ. (Ảnh: Int) |
Ðể tạo đột phá, huyện Phong Ðiền tiếp tục huy động tất cả nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn. Từ đầu năm đến nay, huyện không ngừng đầu tư, nâng cấp mở rộng các công trình giao thông nông thôn như tuyến đường Càng Ðước - Vàm Bi; tuyến Rạch Tre - Tám Tươi; nâng cấp, mở rộng cầu Ba Gừa và đập Tư Cầu trên tuyến Bông Vang - Hai Ðiều; nâng cấp cầu và đường dẫn tuyến Hàng Xoài - cầu Ông Thọ…
Ðặc biệt huyện đã vận động xã hội hóa xây dựng cầu đường nông thôn. Thông qua Chiến dịch Thủy lợi - Giao thông mùa khô gắn với xây dựng cảnh quan môi trường nâng chất tiêu chí NTM nâng cao. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã huy động hơn 5.441 ngày công lao động, ước giá trị nhân dân đóng góp trên 5,5 tỷ đồng. Thực hiện dọn cỏ, khai thông dòng chảy được 50,4km; xây dựng cảnh quan môi trường được 3,2km; phát quang lộ giao thông nông thôn 83,6km; kè mé xây dựng gia cố đê bao 640m, đắp 23 đập; sửa chữa, nâng cấp 60km đường giao thông nông thôn; làm mới 6,67km đường giao thông nông thôn; xây mới cầu 6 cây cầu và sửa chữa 3 cây cầu.
Bên cạnh đó, triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng tuyến Rạch Dong - Mương Ngang, xã Nhơn Ái và tuyến vàm Rạch Sung - Ngã Ba Bào, xã Nhơn Nghĩa với tổng chiều dài 8,6km, kinh phí hơn 770 triệu đồng. Ðến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện trên địa bàn huyện đạt 100%, trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn kỹ thuật là 99,98%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 94%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở đô thị và khu dân cư tập trung đạt 96%...
“Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng NTM, NTM nâng cao đã huy động sự đồng tình, tham gia hưởng ứng tích cực của người dân cùng chung tay, góp sức. Nhờ đó giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng khang trang, sạch sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Có đường mới bà con cũng vui mừng, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp…”, cô Đỗ Thị Hoàn, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền chia sẻ.
Được biết, năm 2022, huyện phấn đấu xây dựng hoàn thành xã NTM nâng cao Trường Long và xã NTM kiểu mẫu Mỹ Khánh. Cùng với đó, huyện rà soát, nâng chất các tiêu chí tiến tới hoàn thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của TP Cần Thơ.
Ðể hoàn thành mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Phong Điền đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề ra các giải pháp thực hiện. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng là tiền đề, xác định phát triển sản xuất là gốc, nâng cao thu nhập và lợi ích cho nhân dân là mục tiêu và động lực để người dân đồng hành trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Hiệu quả từ liên kết
Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện các lộ trình theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Tùy thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, hiệu quả của mỗi vùng đất, các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Sầu riêng Tân Thới đang được hướng dẫn thủ tục cấp mã số vùng trồng, tiến tới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: Int) |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã tuyên truyền vận động nông dân cải tạo 79ha vườn cây ăn trái và chuyển đổi 53ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Toàn huyện có 20 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 289,12ha với 358 hộ tham gia và 1 mô hình Global GAP trồng cây vú sữa ở xã Trường Long, diện tích 16,1ha với 12 hộ tham gia.
Tiếp nối những gì đạt được, huyện đang triển khai xây dựng thêm 3 mô hình VietGAP gồm: mô hình trồng sầu riêng của Hợp tác xã (HTX) Hợp Tiến (xã Tân Thới), Tổ hợp tác (THT) sản xuất trồng rau an toàn (xã Trường Long) và THT sản xuất cây ăn trái, xã Nhơn Ái.
Hiện Phong Điền đã có 6 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ. Đó là sầu riêng Tân Thới, cam mật không hạt Tám Ðảo, chanh không hạt Trường Long, cây vú sữa Trường Khương A, bánh hỏi mặt võng Út Dzách và Trà Cao Trường Phát.
Để nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác, thời gian qua, huyện còn tập trung củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động các HTX, THT, nhân rộng các mô hình HTX có hiệu quả cao.
Tính đến nay, huyện đã thành lập được 18 HTX với 443 thành viên, diện tích sản xuất 282ha, vốn điều lệ 8,2 tỷ đồng và 48 THT với 1.027 thành viên.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện có 2 sản phẩm vừa được UBND thành phố công nhận đạt hạng 4 sao là sầu riêng Tân Thới, sản phẩm sợi sấy thăng hoa Ðông Trùng Hạ Thảo Agrimush.
Riêng sản phẩm sầu riêng Tân Thới đang được hướng dẫn thủ tục cấp mã số vùng trồng, tiến tới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, giá trị trái sầu riêng sẽ được nâng vị thế, đảm bảo ổn định đầu ra, bà con nông dân đứng trước cơ hội mở rộng sản xuất, thu nhập nâng cao.
“Nhờ các cấp, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu sầu riêng Tân Thới, sản xuất theo quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Bà con phấn khởi an tâm sản xuất, người tiêu dùng yên tâm lựa chọn...”, ông Nguyễn Ngọc Hải, thành viên HTX Tân Thới 1, huyện Phong Ðiền chia sẻ.
Nhật Nam