Trên thực tế, việc kết nối khâu sản xuất với tiêu thụ nông sản chưa chặt chẽ. Việc kiểm soát chất lượng ra thị trường thông qua hệ thống chợ, trung tâm giao dịch còn rất yếu. Hệ thống chợ, kể cả các chợ đầu mối còn kém phát triển, chưa thực sự thành các trung tâm giao dịch hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường.
Dự án LIFSAP: kết quả ban đầu
Ngày 20-21/11/2018, đã diễn ra Hội nghị "Triển khai nhân rộng mô hình chợ nông thôn an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới" tại Thái Bình, do Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP), Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT, sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, một số tổ chức chính trị xã hội, Văn phòng điều phối nông thôn mới 12 tỉnh, thành phố triển khai dự án: Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP.HCM, Long An.
Dự án LIFSAP được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của những người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gia súc, gia cầm, tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, chủ yếu là sản phẩm thịt.
Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2010-2015 là 79,03 triệu USD, trong đó vốn IDA là 65,26 triệu USD. Tổng vốn thực hiện giai đoạn bổ sung 2016-2018 là 54,68 triệu USD, trong đó vốn IDA là 44,68 triệu USD.
Trong những năm 2010-2011, khi bắt đầu triển khai, trên địa bàn 12 tỉnh thực hiện dự án có 2.558 chợ, trong đó chủ yếu là các chợ hạng 3 (chiếm 86%). Hạ tầng chợ thường xuống cấp nghiêm trọng, hẹp, không có hệ thống xử lý chất thải, đa số chưa phân khu chức năng, lấn đường giao thông, hình thức bày bán không hợp vệ sinh.
Dự án đã lấy ý kiến cộng đồng, các sở ngành liên quan, huyện, xã; yêu cầu cam kết liên đới, tập huấn kỹ năng, thiết kế, xây dựng, vận hành, kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm.
Khảo sát tại chợ |
Kết quả, trong 8 năm, tổng số chợ đã được nâng cấp và đưa vào sử dụng là 499 chợ thực phẩm tại 12 tỉnh. Dự án đã đầu tư quầy sạp, sàn chợ, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Sản phẩm hướng tới là thịt lợn và thịt gà. Dự án cũng thử nghiệm kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm, môi trường, bảo dưỡng, bảo trì, vận hành...
Theo báo cáo, tỷ lệ chợ được hỗ trợ cải thiện các tiêu chuẩn môi trường đã đạt được 86,68% (năm 2012), 90,02% (năm 2013), 95,04% (năm 2014), 97,79% (năm 2015), 99,26% (năm 2016), 99,37% (năm 2017). Mẫu thịt gà và thịt lợn được kiểm tra các chỉ tiêu E. Coli, Salmonella được cải thiện.
Đánh giá từ dự án, hiện các chợ nâng cấp hoạt động nhưng việc thay đổi nhận thức từ cộng đồng và nhà quản lý, vận hành triển khai đồng bộ, quản lý các cấp chưa đồng bộ, chưa bền vững. Mục tiêu đề án sắp tới hướng tới sơ đồ sau:
Sơ đồ hệ thống kết nối trung tâm cung ứng nông sản tại Việt Nam |
Cần kế hoạch đồng bộ
Theo phân tích của Trung tâm các Chương trình Kinh tế xã hội, Liên minh HTX Việt Nam, nhìn chung dự án đạt được nhiều kết quả khả quan, hỗ trợ cải thiện môi trường chợ ở nhiều tỉnh.
Tuy nhiên, cần quan tâm xử lý một số vấn đề còn tồn tại nhằm triển khai đề án phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, dự kiến hoàn thành trong quý I/2019 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Dự án đặt tên cung ứng sản phẩm nông sản an toàn nhưng số lượng sản phẩm chỉ là hai sản phẩm chăn nuôi là gà và lợn, nên thực hiện đầy đủ các sản phẩm cung ứng.
Dự án xây dựng sơ đồ cung ứng bắt nguồn từ HTX, tổ hợp tác nhưng không kiểm soát và xây dựng chuỗi xoay quanh để sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn hay hữu cơ...
Tính liên kết trong hệ thống kết nối từ sản xuất tới cung ứng và thị trường chưa chặt chẽ; Việc đánh giá chất lượng sản phẩm cần có cơ sở đồng bộ, thường xuyên, gắn các tiêu chuẩn cụ thể; Vấn đề môi trường mới chỉ dừng lại ở xử lý nước thải bằng biện pháp vi sinh nhưng chưa bền vững, chưa có xử lý khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn...
Sự phối kết hợp các khâu hay sản phẩm từ các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản từ Liên minh HTX Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... cần được đẩy mạnh với sản phẩm của dự án LIFSAP thì hiệu quả và bền vững hơn.
Vai trò sức mạnh cộng đồng từ khâu lập kế hoạch tới triển khai, giám sát, quản lý và nhân rộng cần được thực hiện đồng bộ, thống nhất hơn và mục tiêu phục vụ xây dựng nông thôn mới của dự án cần được phân tích rõ hơn.
Đại diện Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Bộ NN&PTNT, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, các dự án liên quan tăng cường phối hợp Liên minh HTX Việt Nam trong thực hiện nội dung chương trình phối hợp, trong triển khai chuỗi giá trị sản phẩm.
Trung tâm CCTKTXH