Ngày 6/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các HTX, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số...
Mô hình HTX xã số
Để đẩy mạnh xây dựng kinh tế số, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết địa phương này đang phối hợp xây dựng chuyên trang HTX số, tích hợp giải pháp thương mại điện tử cho nông dân, hội viên HTX, tổ kinh tế hợp tác.
Sản phẩm của HTX Quảng Thọ II được phân phối trên sàn thương mại điện tử. |
Theo đó, thời gian qua, Thừa Thiên – Huế đã chọn HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II để xây dựng hệ thống HTX số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và HTX, đồng thời xây dựng và hoạt động thử nghiệm Website của HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II nhằm quảng bá các sản phẩm mà HTX đang sản xuất, kinh doanh. Tiến hành đưa sản phẩm Trà rau má của HTX lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, sàn kinh tế hợp tác...
Đồng thời, quảng bá du lịch của xã bằng công nghệ mô hình hóa 3D và AR (thực tại ảo tăng cường) gắn với quảng bá và thương mại sản phẩm đặc hữu địa phương. Theo đó, đã tiến hành quay, chụp hình ảnh tại một số địa điểm du lịch trên địa bàn xã (khu di tích lịch sử, địa điểm du lịch).
Chia sẻ cụ thể, ông Nguyễn Lương Trí, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2, cho biết hàng năm, HTX thu mua và tiêu thụ rau má tươi từ 180 - 200 tấn và chế biến các sản phẩm từ rau má khô 20 đến 25 tấn. Hiện, rau má được bán không chỉ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tận TP.HCM, các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành miền Bắc.
Bên cạnh đó, nhằm quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rau má và nâng cao hiệu quả kinh tế, đơn vị đã sản xuất các loại sản phẩm trà rau má đựng trong túi lọc và trà rau má sấy khô, bột matcha. Các sản phẩm này đã được bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX của tỉnh Thừa Thiên – Huế thông qua hệ thống Shopee và Lazada. Người tiêu dùng có thể mua trực tuyến thông qua hai hệ thống trên và mua trực tiếp tại HTX Quảng Thọ 2 và các điểm cung ứng sản phẩm trà rau má, bột matcha rau má trong cả nước.
Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm “trà rau má Quảng Thọ” đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao năm 2020. Bộ sản phẩm bột matcha rau má của HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cũng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.
Tăng cường đào tạo về năng lực chuyển đổi số
Không chỉ Thừa Thiên – Huế, thời gian qua một số địa phương trên cả nước cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Theo đại diện Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã phê duyệt 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng để tập trung sản xuất hàng hóa; bên cạnh đó tỉnh có 180 sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh; có xuất xứ rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây chính là dư địa lớn cho chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang cho biết đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang; trong đó hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác đăng ký tham gia 02 Sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hướng tới hình thành các Hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử); xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên trang thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử..., thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên “Gian hàng Việt”. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX mở gian hàng trên các sàn thương điện tử (Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Postmart.vn...); thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landing, zalo..
Để thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, Bắc Giang đề xuất Bộ NN&PTNT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ các cấp và người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai, qua đó hỗ trợ tích cực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng chính quyền điện tử...
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.
Anh Thư