Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) hiện có hơn 60 HTX dịch vụ nông nghiệp và đang duy trì các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, như: thủy lợi, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, phun thuốc trừ sâu bệnh, mạ khay máy cấy,... sản xuất và tiêu thụ nông sản, cung ứng thực phẩm tươi sống, rau an toàn...
Phát triển HTX nông nghiệp quy mô lớn
Trong quá trình sản xuất, các HTX trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đang hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Tiến là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ, liên kết với doanh nghiệp phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh ở địa phương.
Hiện nay, HTX đang liên kết với Công ty CP Quốc tế An Việt để sản xuất khoai tây. Theo đó, công ty sẽ cung cấp giống, phân bón, chế phẩm sinh học để giúp người nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra. HTX thuê lao động thời vụ ở khâu gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch khoai tây với công lao động từ 200.000 - 250.000 đồng/lao động/ngày, tùy thời điểm.
Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện... thời gian qua các HTX ở Hoằng Hóa đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. |
Ông Đinh Công Lai, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Tiến cho biết: Riêng vụ Đông Xuân năm 2023, toàn xã trồng 26 ha khoai tây theo hình thức liên kết, trong đó thôn Kim Sơn chiếm diện tích lớn. Với việc trồng, chăm sóc khoai theo hướng dẫn kỹ thuật, cộng với thời tiết thuận lợi nên khoai thu hoạch đạt năng suất, chất lượng. Năng suất khoai tây toàn xã đạt khoảng 1,4 tấn/sào, riêng đối với thôn Kim Sơn, năng suất lên đến 1,7 - 1,8 tấn/sào. Giá đơn vị liên kết thu mua toàn bộ sản phẩm là 7.000 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi.
Ở Hoằng Hóa còn có HTX nông nghiệp xanh CNC Hồng Nhuệ. Mặc dù mới được thành lập được gần 3 năm nhưng nhờ tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như: dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa leo... HTX đang tạo việc làm cho 9 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng và 5 lao động thời vụ; lợi nhuận mỗi năm thu được khoảng 300 triệu đồng.
HTX đang sở hữu diện tích sản xuất khu nhà màng lên tới 6.500m2 tại cánh đồng thôn Hồng Nhuệ 2 và 2 ha ký kết sản xuất ngoài trời. Để xây dựng nhà màng làm nơi sản xuất chính, HTX đã đầu tư tôn tạo khu đất, lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tự động... HTX còn tạo chuỗi liên kết vùng canh tác an toàn và bao tiêu một số sản phẩm đạt chất lượng cho các hộ liên kết. Đồng thời, ký kết hợp đồng với 5 HTX và 3 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm dưa lưới, dưa vàng, dưa leo.
Lấy chất lượng là tiêu chí phát triển
HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Tiến và HTX nông nghiệp xanh CNC Hồng Nhuệ chỉ là hai trong số hàng chục HTX ở Hoằng Hóa đang phát triển mạnh các loại nông sản thế mạnh địa phương. Đây cũng là hướng đi đúng đắn mà huyện Hoằng Hóa đã định hướng cho các HTX trên địa bàn thời gian qua.
Thành viên các HTX đang thu hoạch khoai tây trên cánh đồng thôn Kim Sơn, xã Hoằng Tiến (Hoằng Hoá). |
Hiện nay, toàn huyện có 60 HTX dịch vụ nông nghiệp và đang duy trì các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, như: thủy lợi, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, phun thuốc trừ sâu bệnh, mạ khay máy cấy, sản xuất và tiêu thụ nông sản, cung ứng thực phẩm tươi sống, rau an toàn.
Các HTX đang canh tác trên diện tích khoảng 400 ha, tập trung trong lĩnh vực trồng trọt tập trung ở các xã: Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Sơn, Hoằng Lưu, Hoằng Xuân, Hoằng Tiến. Diện tích nông nghiệp sản xuất ứng dụng CNC và theo hướng CNC đạt gần 450 ha; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt gần 200 ha.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, các HTX đã đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm nông sản qua các website, hội chợ triển lãm thương mại, cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong và ngoài huyện. Từ đó hình thành các mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm tiêu biểu như: mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bắp cải, súp lơ xanh xuất khẩu với Công ty TNHH Nông nghiệp Kim Huy Việt Nam; mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu tại HTX sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo; mô hình trồng khoai tây liên kết với Công ty CP Quốc tế An Việt; mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt với Công ty TNHH Thanh An...
Trên địa bàn huyện có hơn 140 cơ sở nuôi thâm canh, siêu thâm canh với tổng diện tích nuôi trồng hơn 300 ha, trong đó diện tích nuôi siêu thâm canh (có mái che) đạt gần 80 ha, tập trung nhiều ở các xã: Hoằng Yến, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phụ... Huyện Hoằng Hóa là một trong những đơn vị cấp huyện triển khai hiệu quả cao chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tính đến đầu năm 2023, huyện Hoằng Hóa đã có 20 sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 5 sao OCOP cấp tỉnh.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công trong quá trình hữu cơ hóa các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn, do còn nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, công nghệ… nên các HTX ở Hoằng Hóa vẫn còn khó khăn trong quá trình phát triển như năng lực tổ chức, điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã chủ trì, phối hợp tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn cho hơn 1.500 lượt người tham gia. Nội dung các lớp tập huấn gồm giới thiệu một số chính sách của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ phát triển HTX; hướng dẫn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh; kỹ năng thương thảo, ký kết hợp đồng, kỹ năng đàm phán; phương pháp tiếp cận, kết nối thị trường; các quy định về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn phát triển, huyện Hoằng Hóa đã hỗ trợ các HTX thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn, quỹ, các chính sách phát triển HTX. Tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, sơ chế, đóng gói, vận chuyển và kinh doanh rau an toàn...
Đức Anh