Phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng NTM |
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. Hoạt động này không những giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương…Việc phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những kế hoạch tốt, góp phần đưa nền kinh tế người dân bản địa đi lên.
Hiện nay, ở một số địa phương trên cả nước có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, vừa phát huy được thế mạnh văn hoá bản địa của các dân tộc, đồng thời góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.
Những năm qua, Quảng Nam chú trọng khai thác các giá trị về di sản, văn hóa, sinh thái và nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM. Tỉnh cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh liên kết với nhiều địa phương để đưa lĩnh vực được xem là mũi nhọn này phát triển nhanh, bền vững.
Quảng Nam hiện có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cùng 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia (trong đó 46 di tích ở khu vực nông thôn), 350 di tích cấp tỉnh (trong đó 300 di tích ở khu vực nông thôn). Về di sản văn hóa phi vật thể, ngoài Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận di sản thế giới, Quảng Nam còn có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hầu hết di sản này ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng có hơn 70 lễ hội truyền thống, 34 làng nghề tiêu biểu và nhiều hình thái di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng.
Du khách nước ngoài một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế, Hội An, Quảng Nam. Ảnh: T.L |
Với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, các giá trị của nông nghiệp truyền thống, tới nay tỉnh đã tập trung xây dựng 30 điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn, trong đó 7 điểm đã được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch và 23 điểm đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư, hoàn thiện. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng chú trọng việc đẩy mạnh liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương khác trên cả nước. Năm 2006 tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP. Đà Nẵng; năm 2010 ký kết hợp tác với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; năm 2015 tiếp tục “bắt tay” với Quảng Bình, Lâm Đồng, Cà Mau và các tỉnh khác thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Mô hình liên kết Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế do tỉnh Quảng Nam đề xuất đã được Tổng cục Du lịch chọn làm điển hình công bố cho cả nước. Nội dung hợp tác của 3 địa phương luôn ưu tiên phát triển 2 dòng sản phẩm là “Con đường di sản” và “Đường mòn sinh thái. Hoạt động này đã góp phần tạo dựng hình ảnh, vị thế của Quảng Nam nói chung và du lịch nói riêng, góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Thời gian qua, Quảng Nam cũng luôn tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền Quảng Nam”; dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tỉnh Quảng Nam”; Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) về dự án “Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại huyện Nam Giang”; dự án Trường Sơn Xanh về xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái vùng Quảng Nam - Thừa Thiên-Huế và xây dựng mô hình thí điểm du lịch sinh thái tại huyện Tây Giang.
Việc phát triển du lịch cộng đồng không những làm tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.
Nhật Nam