Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể nhân dân, Nghệ An đã có nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo để khắc phục và vượt qua khó khăn, xây dựng nông thôn mới (NTM) từng bước đi lên.
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đem lại một diện mạo mới, sức sống mới cho nông thôn Nghệ An |
Những khó khăn và thách thức
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 – 2020, mục tiêu chung về xây dựng NTM đến năm 2020 là xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo kế hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
Để triển khai thực hiện được đầy đủ 19 tiêu chí quốc gia về NTM đối với các địa phương là điều không hề đơn giản, đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, là rào cản trong quá trình xây dựng NTM ở Nghệ An.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có số lượng xã nhiều (435 xã), kinh phí xây dựng quy hoạch hạn chế (mới 100 triệu đồng/xã) và số cơ quan tư vấn tham gia ít (25 đơn vị), trong khi năng lực để xây dựng quy hoạch NTM có hạn.
Bên cạnh đó, tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 4 cả nước; trình độ chuyên môn và nghề nghiệp của lực lượng lao động chưa đáp ứng được đòi hỏi đặt ra của thị trường lao động. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 10%.
Trên địa bàn tỉnh, nông thôn phát triển thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu vững chắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, đô thị hóa nông thôn còn mang tính tự phát, cảnh quan bị phá vỡ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm. Trong khi đó, nông thôn Nghệ An rộng lớn, địa hình phức tạp, chịu nhiều tác động của thiên tai; xuất phát điểm của nông thôn Nghệ An thấp hơn so với bình quân cả nước.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhiều nơi còn lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu phát triển CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đời sống của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng còn ở mức thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng ngày càng lớn. Một số tiêu chí như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân, cơ cấu lao động cần phải có thời gian dài mới có thể đạt được. Chất lượng quy hoạch chưa cao, một số nơi khi xây dựng quy hoạch không căn cứ vào đặc điểm và điều kiện của địa phương, do vậy tính khả thi của quy hoạch còn hạn chế.
"Thay da đổi thịt"
Để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM, UBND tỉnh Nghệ An đã có những chính sách mang tính đột phá nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực.
Từ đầu năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời trực tiếp phát động phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng NTM”. Thực hiện “chủ trương đi kèm đường lối” đã khơi dậy sức mạnh lòng dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 226/431 xã đạt 19/19 tiêu chí chiếm tỷ lệ 52,4%, trong đó có 218 xã được UBND tỉnh ra quyết định xã đạt chuẩn NTM. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 15,64 tiêu chí/xã tăng 0,27 tiêu chí/xã so với cuối năm 2018. Có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là TP Vinh, thị xã Thái Hoà và huyện Nam Đàn. 667 thôn/bản đạt chuẩn NTM và 3 xã: Kim Liên (huyện Nam Đàn), Sơn Thành (huyện Yên Thành), Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã tạo nên một đòn bẩy, giúp các địa phương, từ đồng bằng, trung du đến miền núi cao trở mình vươn lên.
Những năm qua, Nghệ An tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện, trên địa bàn đã và đang triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao. Sự nhập cuộc của các “ông lớn” như Vinamilk, TH True Milk, Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An hay Tập đoàn Massan là một tín hiệu đáng mừng khi chính quyền địa phương và người dân đã sẵn sàng tâm thế hòa vào "cuộc chơi".
Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Nghệ An đã có sự chuyển biến rõ rét về chất lượng và đi vào chiều sâu. Bộ máy tham mưu - văn phòng điều phối chương trình hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Nhận thức và ý thức của cán bộ đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đã thay đổi tích cực và không ngừng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế nông thôn đã có sự thay đổi lớn, phát triển sản xuất thực sự gắn với cơ cấu lại nông nghiệp trong xây dựng NTM.
Nhật Nam