Cách đây 2 năm, HTX tôm rừng Rạch Gốc đã ra mắt ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) từ tiền thân là Hội quán tôm - rừng Rạch Gốc. Ngành nghề hoạt động chính là nuôi tôm, cua dưới tán rừng, kinh doanh giống thủy sản cua, tôm để cung ứng cho thành viên và người nuôi trên địa bàn.
“Làn gió mới” từ HTX nuôi tôm dưới tán rừng
HTX tôm rừng Rạch Gốc được xem là “làn gió mới” cho việc phát triển chuỗi liên kết nuôi tôm sinh thái ở địa phương. Nhất là việc triển khai mô hình nuôi tôm - cua 2 giai đoạn dưới tán rừng đước.
Bình quân thu nhập mỗi hộ gia đình ở Rạch Gốc từ 100 - 200 triệu đồng/năm từ nuôi tôm sinh thái. |
Theo đánh giá ngành chuyên môn huyện Ngọc Hiển, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng của HTX tôm rừng Rạch Gốc ít tốn chi phí, thức ăn có sẵn trong tự nhiên tôm phát triển khỏe mạnh, sạch bệnh và được thương lái thu mua cao hơn mức giá thị trường.
Qua đó, thành viên HTX cùng bảo vệ, chăm sóc cây rừng bảo vệ môi trường sinh thái trong lành. Các thành viên cũng được hưởng lợi về hỗ trợ bắt con giống tốt, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nuôi tôm, cua. HTX cũng liên kết, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng tôm, cua ở vùng đất ngập mặn.
Hiện nay, HTX Rạch Gốc đang thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái để du khách tham quan, trải nghiệm. Ông Nguyễn Thanh Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, cho biết các thành viên rất đồng tình, bà con ở Rạch Gốc cũng hết sức quan tâm hướng đi này.
Theo ông Tín, lãnh đạo huyện Ngọc Hiển dành sự quan tâm đến nỗ lực của HTX trong việc xây dựng mô hình sản xuất gắn với định hướng phát triển du lịch sinh thái.
Hiện tại, HTX này đang phát triển hiệu quả các dịch vụ du lịch đi liền với phát triển sản phẩm ba khía muối kết hợp nuôi tôm - cua sinh thái dưới tán rừng. Mô hình của HTX không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 56 thành viên mà còn giúp không ít nông dân ở thị trấn Rạch Gốc có đời sống khấm khá nhờ liên kết làm kinh tế kết hợp phát triển các dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, bằng hình thức ký hợp đồng với một doanh nghiệp hàng đầu trong xuất khẩu tôm, các thành viên HTX được doanh nghiệp hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Họ còn được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn nuôi đan xen những vật nuôi khác như cua, sò huyết, vọp…
Thu nhập tăng lên, tư duy sản xuất đã thay đổi
Nhờ đó, đã giúp cho đời sống của nhiều nông dân ở Rạch Gốc ngày càng vươn lên. Tính ra bình quân thu nhập mỗi hộ gia đình ở đây từ 100 - 200 triệu đồng/năm từ tôm sinh thái, 60 - 80 triệu đồng từ con cua và nhiều nguồn thu khác, trong đó có cả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Nhờ tham gia HTX và tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái đã giúp tư duy sản xuất của người nông dân huyện Ngọc Hiển ngày càng thay đổi tích cực. |
Cùng với HTX nêu trên, toàn huyện Ngọc Hiển hiện có 7 HTX, 133 tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái, 1 chi hội nghề nghiệp nuôi tôm sinh thái. Trong đó có không ít HTX, tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái đang hoạt động hiệu quả nhờ mở rộng và đầu tư thêm các dịch vụ du lịch. Riêng các HTX, tổ hợp tác và chi đội nghề nghiệp này đã thu hút được hơn 1.500 lao động địa phương tham gia.
Nhờ tham gia vào các HTX, tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái đã giúp nông dân địa phương nắm vững hơn về kỹ thuật, con giống, cách chăm sóc để hạn chế dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những người nuôi tôm rừng ở Ngọc Hiển bây giờ nhận thức, tư duy đã rất khác so với những năm trước. Bà con biết làm thương hiệu, biết tổ chức sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, đặc biệt khi tham gia mô hình chuỗi liên kết nuôi tôm sinh thái họ còn được hỗ trợ xây dựng mã số vùng nuôi.
Từ vai trò đóng góp quan trọng của các HTX, tổ hợp tác mà những năm qua, thu nhập của các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển ngày càng được nâng cao, tư duy sản xuất của người dân cũng ngày càng thay đổi. Nông dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm sinh thái, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả năng suất, chất lượng cao hơn.
Nhắc đến huyện Ngọc Hiển cũng nên nhắc đến HTX sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi, được xem là một điển hình trong chuỗi liên kết nuôi tôm sinh thái. Về khâu chế biến, mỗi năm HTX sản xuất hơn 20 tấn tôm, trong đó mùa Tết khoảng 3 tháng (10-12 âm lịch) chiếm 40-50%.
Theo ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX, nói đến thương hiệu tôm khô Rạch Gốc, người ta nghĩ ngay đến con tôm sinh thái sống dưới những tán rừng ngập mặn được nuôi theo cách tự nhiên, không có nhiều tác động từ con người. Nhờ đó, những con tôm sú, tôm đất ở đây có chất lượng vượt trội ít nơi nào sánh được. Từ lợi thế đó, HTX đã chế biến ra những sản phẩm thật sự khác biệt, bằng chính sản vật xứ sở này, và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 30 lao động địa phương.
Ông Cường cho biết, HTX luôn quan tâm nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm mới, lạ đặc biệt sản phẩm địa phương sẵn có làm phong phú đa dạng thành chuỗi giá trị thu lợi nhuận cao cho HTX, vận động các thành viên HTX tích cực tham gia các phong trào địa phương, vào chi hội nghề nghiệp, cụ thể là chuyên về cây trồng, vật nuôi ở địa phương mình phù hợp thu nhập cũng đáng kể.
Mô hình giảm nghèo hiệu quả
Không những thế, HTX Tân Phát Lợi còn tham gia liên kết chuỗi với các HTX khác nhằm đảm bảo tốt hàng hóa sản xuất kinh doanh năm sau cao hơn năm trước. Thành viên được tham gia vào HTX có quyền lợi là được HTX thu mua nguyên liệu giá thành cao hơn 10% so với thị trường.
Từ đó, các thành viên trước đây có đời sống kinh tế khó khăn thì nay đã khá giả hơn. Các thành viên được chia lãi hằng năm hơn 200 triệu đồng/thành viên/năm.
Vùng đất Ngọc Hiển đang trở thành “thủ phủ” của chuỗi liên kết nuôi tôm sinh thái. |
Tính đến nay, toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 73.000ha nuôi tôm rừng (bao gồm đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ), trong đó theo kế hoạch sẽ chứng nhận tôm sinh thái cho hơn 23.000ha, còn hiện tại đã có hơn 19.000ha được chứng nhận tôm sinh thái, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 4.000 tấn tôm đạt nhiều chứng nhận quốc tế.
Trong báo cáo năm 2022 của huyện cho thấy năng suất bình quân của vùng nuôi tôm sinh thái đạt từ 200-220 kg/ha/năm, tăng từ 20-40 kg/ha/năm. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Ngọc Hiển phấn đấu tất cả diện tích tôm - rừng trên địa bàn huyện được các tổ chức chứng nhận đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái.
Việc phát triển chuỗi liên kết nuôi tôm sinh thái với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác đã giúp tạo ra sự kết nối, liên kết với công ty xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị con tôm, phát triển sinh kế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Xét về tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Ngọc Hiển hiện chiếm tỷ lệ 2,68%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 4,09% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Mục tiêu năm nay của huyện là phấn đấu giảm 0,8% hộ nghèo, giảm 1,5% hộ cận nghèo.
Để công tác giảm nghèo ở huyện Ngọc Hiển đạt hiệu quả, thời gian tới rất cần tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái tạo ra chuỗi giá trị sản xuất bền vững thông qua chuỗi liên kết giữa hộ nuôi, HTX với doanh nghiệp, ban quản lý rừng và chính quyền địa phương. Điều này giúp cho các hộ nuôi và HTX ổn định đầu ra, đầu vào sản phẩm, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thanh Loan