Với lợi thế có chiều dài bờ biển hơn 23km, huyện Tiền Hải luôn xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2020, HTX SXKDDVNN Nam Cường tiếp tục duy trì diện tích NTTS 130ha với đa dạng các loại thủy sản nước ngọt, nước lợ như tôm, cua, cá, ngao...
Khu nuôi trồng thủy sản của các xã ven biển, huyện Tiền Hải nhìn từ trên cao. |
Không còn cảnh "ngao cười, người khóc"
Những năm gần đây, dọc con đê vào xã Nam Cường san sát những ao đầm nuôi thủy sản do người dân tích cực dồn điền đổi thửa, biến diện tích trồng lúa kém hiệu quả thành hệ thống ao, đầm nuôi thủy sản công nghệ cao. Các ao, đầm được bê tông hóa, đáy lót bạt và trang bị đầy đủ hệ thống sục khí, lọc nước...
Nhờ việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động của HTX ổn định, sản lượng và giá trị của các loại thủy sản không ngừng tăng. Cụ thể, thủy sản được các thương lái nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu thu mua, tôm sú có giá 310-350 nghìn đồng/kg, tôm thẻ có giá 130-140 nghìn đồng/kg, cua xanh có giá 350 nghìn đồng/kg, ngao giống có giá 150-200 nghìn đồng/kg… lợi nhuận thu về hàng chục tỷ đồng.
Giám đốc HTX Trần Thị Kim Kinh (giữa) đến thăm ao nuôi cua của thành viên. |
Từ việc làm chủ công nghệ và kỹ thuật NTTS, kinh tế thành viên từ đó cũng phất lên, không còn cảnh “ngao cười, người khóc”, ngư dân “đánh bạc” với ông trời.
Chỉ tay về ao cá song, cá vược của gia đình, bà Nguyễn Thị Sen, thành viên HTX phấn khởi nói: “Nhờ mấy cái ao cá này, nhà tôi có của ăn của để, không khó khăn như thời trồng lúa. Hai vợ chồng bám “đảo” ngày đêm. Lãi nhất là nuôi được hai con học đại học, mỗi năm cũng dư ra, gửi tiết kiệm được 100-200 triệu đồng”.
Chia sẻ về bí quyết NTTS, bà Trần Thị Kim Kinh, Giám đốc HTX, cho biết: Năm 2015, diện tích NTTS ở Nam Cường từng xảy ra hiện tượng tôm sú bị chết hàng loạt do dịch bệnh, xử lý chất thải kém, nâng con số thiệt hại lên tới 30 tỷ đồng.
Người dân Tiền Hải đang thu hoạch ngao giống. |
Bài học không quên ấy khiến HTX và thành viên nghiêm túc hơn trong việc phát hiện dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch, đảm bảo chất lượng nước sạch 100%, hạn chế ứ đọng chất thải, tồn dư chất hóa học.
Theo thủy triều, mỗi tháng HTX thay nước 8 lần, nước ra nước vào giúp hạn chế nguồn bệnh, cung cấp thức ăn cho các loài thủy sản. Tổ kỹ thuật đảm bảo cân bằng các chỉ số trong ngưỡng cho phép như độ mặn lý tưởng 12-20 ‰, pH dao động từ 7,5-8,5.
Sau khi thu hoạch, các thành viên cần nạo vét đáy ao, rải vôi bột hoặc hóa chất an toàn để xử lý chất thải, “quét” sạch tồn dư mùa vụ trước, đảm bảo ao sạch nước, sạch bệnh cho lứa thủy sản mới.
Để hiện thực hoá giấc mơ
Theo thống kê của HTX, tổng doanh thu của HTX năm 2019 xấp xỉ 45,5 tỷ đồng, trong đó dịch vụ sản xuất, kinh doanh ngao chiếm hơn 50%. Như vậy, phát triển nuôi trồng ngao giống là hướng đi bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đánh giá về tiềm năng nuôi ngao giống, ông Nguyễn Văn Thiều, thành viên HTX cho biết con ngao giống là đối tương nuôi tương đối phù hợp với đất đai địa phương, dễ nuôi, đầu ra đầu vào ổn định. Đặc biệt, người dân không mất tiền đầu tư thức ăn bởi ngao nhỏ ăn tảo, sinh vật phù du trong nước.
Chỉ cần giữ cho nước sạch, thay nước thường xuyên thì chỉ 3-4 tháng có thể đưa ra bãi nuôi thương phẩm. Trung bình đầu tư 500 triệu tiền giống, người dân sẽ thu về 1,2-1,5 tỷ đồng, trừ các chi phí, lãi khoảng 700 triệu đồng, ông Thiều phấn khởi nói.
Người dân đãi sạch tạp chất trước khi gửi ngao giống cho khách hàng |
Như vậy, nuôi trồng thủy sản nước lợ tại HTX Nam Cường đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi” tuy nhiên nhiều năm nay giấc mơ xây dựng chuỗi giá trị ở HTX Nam Cường vẫn còn dang dở.
Bà Kinh nhắc lại câu chuyện năm 2018, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng về khảo sát tiềm năng phát triển chuỗi giá trị nông sản tại HTX. Theo đánh giá của chuyên gia, diện tích NTTS còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn và chưa có sự đầu tư vào kỹ thuật công nghệ...
Sau 2 năm nỗ lực thay đổi, bắt kịp xu hướng, HTX đã quy hoạch được vùng nuôi trồng thủy sản diện rộng, xác định rõ những sản phẩm chủ lực và hướng đi theo chuỗi giá trị.
Tỷ lệ ngao giống trong hình khoảng 500-1000 con/kg. |
Giám đốc HTX cho biết: Nếu chuỗi giá trị được xây dựng, cả HTX và thành viên đều được hưởng lợi. Chất lượng, nguồn gốc sản phẩm được đánh giá rõ ràng, thu hút doanh nghiệp đến với HTX, tạo đầu ra ổn định cho bà con. Bên cạnh đó, việc HTX liên kết, bao tiêu sản phẩm không chỉ tạo thu nhập cho bà con mà còn giúp HTX có nguồn kinh phí tái đầu tư.
Tuy nhiên, nút thắt trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm ở HTX Nam Cường bao gồm: thiếu vốn và thiếu nhân lực trẻ, có trình độ. Theo bà Kinh, hiện nay, độ tuổi trung bình của cán bộ HTX là từ 45-55, việc tiếp cận với công nghệ hạn chế nên dù rất muốn “thay máu” cho HTX nhưng cũng “lực bất tòng tâm”.
Bên cạnh đó, đặc thù của ngành thủy sản là chi phí đầu tư cao. Muốn đưa các sản phẩm vào chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đòi hỏi HTX phải có khu sơ chế, đóng gói thủy sản, kho lạnh, xe chở chuyên dụng… Với nguồn vốn eo hẹp, kế hoạch xây dựng chuỗi giá trị vẫn chưa thể thực hiện được.
Để khẳng định vai trò “hạt nhân” trong xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ thành viên, HTX mong muốn Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thái Bình tạo điều kiện cho HTX tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu để thủy sản Thái Bình đến gần hơn với người tiêu dùng, bà Kinh trăn trở.
Xuân Mai