Sản phẩm gà Cùa đang là một trong những nông sản thế mạnh nổi bật của xã Cam Nghĩa đang được huyện Cam Lộ ưu tiên chọn lựa để tham gia chương trình OCOP của tỉnh Quảng Trị.
Hình thành thế mạnh
Để đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình OCOP, mô hình chăn nuôi gà Cùa ở Cam Nghĩa đang được phát triển theo hướng an toàn sinh học gắn với chuỗi giá trị.
Mô hình đang thu hút gần 20 hộ tham gia (bao gồm cả các hộ ở xã Cam Chính), chia thành 2 tổ hợp tác, tổng đàn gà trên 10.000 con. Giống gà được cấp là gà lai ri 3/4. Số gà giống này được huyện hỗ trợ 50% vốn, đồng thời hỗ trợ 50% vắc xin để phòng dịch.
Gà Cùa đang là sản phẩm thế mạnh, được chú trọng đầu tư của xã Cam Nghĩa. |
Các kết quả cho thấy việc triển khai mô hình gà Cùa theo chuỗi giá trị ở Cam Nghĩa đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, hướng đến xây dựng thương hiệu và là một trong những sản phẩm theo chương trình OCOP.
Bên cạnh gà Cùa, xã Cam Nghĩa còn có sản phẩm tiêu Cùa. Năm 2019, sản phẩm hồ tiêu của HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa, xã Cam nghĩa được UBND tỉnh Quảng Trị chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Từ hiệu quả bước đầu mang lại trong việc đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, xã Cam Nghĩa đang định hướng để mở rộng diện tích hồ tiêu trong thời gian tới.
Mục tiêu trong 5 năm tới, mỗi năm xã phát triển thêm 2 ha tiêu sản xuất an toàn, đảm bảo tiêu chí sản phẩm OCOP, cùng với đó chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiêu chất lượng cao và kết nối thị trường tiêu thụ nhằm gia tăng giá trị sản xuất cho người dân.
Theo đại diện UBND xã Cam Nghĩa, chương trình OCOP là một trong những nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của huyện, với kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi trong tái cơ cấu nghành nông nghiệp, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.
Khởi sắc nông thôn mới
Những thành công của OCOP là một trong những nhân tố chủ lực giúp xã Cam Nghĩa trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Cam Lộ.
Diện mạo nông thôn xã Cam Nghĩa đang ngày càng khởi sắc. |
Sau hơn 2 về đích nông thôn mới, xã đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã ước đến cuối năm 2020 đạt gần 50 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%, không có hộ nghèo thuộc diện chính sách, không có nhà tạm bợ.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của xã cũng đang được đầu tư đồng bộ. 100% tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, đường xã, liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện đã được cứng hóa, bê tông hóa, nhựa hóa. Gần 90% đường trục chính ra đồng được cứng hóa.
Xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần đưa kinh tế nông thôn của xã liên tục tăng trưởng khá, nâng cao giá trị gia tăng.
Để có được thành quả hiện tại, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã Cam Chính đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố cốt lõi.
Theo đó, xã đã chủ động hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có liên kết với các HTX, nhà máy chế biến tiêu thụ. Hình thành các chuỗi giá trị sản xuất theo chương trình OCOP gắn với thương hiệu địa phương.
Hiệu quả kinh tế từ các vùng sản xuất tập trung của xã đang cho giá trị cao hơn 30 - 50 triệu đồng/ha so với sản xuất nhỏ lẻ. Đơn cử, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của xã hiện đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm, tăng trên 30 triệu đồng so với năm 2011.
Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, xã Cam Nghĩa đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhật Minh