Xã Trí Lực, huyện Thới Bình là một trong những thủ phủ nuôi trồng thủy sản ở Đất Mũi, với tổng diện tích trên 2.900 ha, trong đó có 700 ha tôm - lúa sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ. Năm 2019, HTX Trí Lực liên kết với doanh nghiệp để triển khai mô hình tôm - lúa theo tiêu chuẩn ASC.
Thúc đẩy nông sản thế mạnh
Qua hơn 3 năm thực hiện, đến nay, chuỗi liên kết HTX - doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 250 hộ dân trong và ngoài địa bàn, với diện tích gần 565 ha sản xuất tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC. Với chứng nhận này, con tôm và hạt gạo được xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ "khó tính".
Bà Trương Thị Kiều Diễm, thành viên HTX Trí Lực, cho hay gia đình bà có 4 ha đất, trước đây chủ yếu canh tác mía, thị trường bấp bênh, thương lái ép giá nên thu nhập không cao, cuộc sống rất khó khăn.
Từ khi tham gia vào HTX, thấy lợi ích của mô hình tôm - lúa, bà Diễm mạnh dạn chuyển đổi. Nhờ được hỗ trợ toàn diện từ đầu vào đến đầu ra, hiện mỗi ha tôm lúa của gia đình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đây là số tiền “không tưởng” khi còn canh tác mía.
Cà Mau đang hình thành nhiều sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp. |
“Làm tôm - lúa tưởng khó nhưng lại dễ, chỉ cần nắm vững kỹ thuật, tuân thủ nguyên tắc sản xuất sạch. Nhờ có HTX, mấy năm nay, chúng tôi sống khoẻ lắm. Trong quá trình nuôi trồng, phát sinh dịch bệnh chỉ cần gọi cho HTX xin tư vấn, chuyện mua bán cũng dễ vì đã có HTX lo”, bà Diễm chia sẻ.
Hiện, tôm chất lượng cao của HTX Trí Lực được Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú cam kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giống lúa ST24, ST25 hữu cơ được HTX bán cho 3 doanh nghiệp, gồm: Tấn Vương, Cỏ Mây và Gạo Ông Thọ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ EU trên diện tích hàng trăm ha. HTX cũng xây dựng nhãn hiệu gạo an toàn Hoàng Yến phân phối ra thị trường nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con.
Với chất lượng vượt trội, từ tháng 4/2020 đến nay, sản phẩm gạo sạch Hoàng Yến của HTX ngày càng khẳng định thương hiệu và được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
“Thời gian tới, chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ HTX vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ đào tạo nhân lực… để HTX phát triển”, Giám đốc HTX Lê Văn Mưa bộc bạch.
Bên cạnh HTX Trí Lực, quá trình triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua có dấu ấn của rất nhiều HTX. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 266 HTX hoạt động, tổng số 4.311 thành viên, số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 4.553 người.
Không chỉ quan tâm hỗ trợ vốn, đào tạo nhân lực…, tỉnh Cà Mau cũng đã chủ động hỗ trợ các HTX trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Mở “lối ra” cho sản phẩm OCOP
Cụ thể, tỉnh Cà Mau đã tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ nội địa sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh, lồng ghép các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX gắn với phát triển các sản phẩm OCOP.
Hiện, nhiều sản phẩm OCOP của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị hàng đầu như: tập đoàn Central Retail Việt Nam, Saigon Co.op, trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Sendo, Chợ tốt…
Anh Huỳnh Minh Triều, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thủy sản Đoàn Phát (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) cho biết thời gian qua, HTX nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp, chính quyền trong việc hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ, đánh giá phân hạng OCOP và kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm. Năm 2021, sản phẩm Gạo sinh thái Từ Tâm của HTX sản xuất đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Các kết quả từ thực tế cho thấy nhờ sự hỗ trợ hiệu quả, giá trị sản phẩm OCOP của các chủ thể là HTX từng bước được nâng lên. Theo báo cáo sơ bộ, có trên 30% sản phẩm OCOP có doanh thu tăng 5- 8%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng 5 -10%, cá biệt có một số sản phẩm có giá bán tăng 15 - 20%.
Anh Mai Nhật Nam, Phó giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Kinh Giữa, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, cho biết trước đây, sản phẩm thuộc da từ da cá sấu của HTX khá mới, ít ai biết là làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cùng với đó thời điểm dịch bệnh phức tạp, đầu ra càng khó khăn hơn.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tích cực tham gia các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại, hội thảo về OCOP do tỉnh tổ chức (với 4 đợt hội chợ, 3 buổi hội thảo)… Từ đó, lượng khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn, doanh thu tăng khoảng 20%", anh Nam nói.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, hiện nay, các HTX, doanh nghiệp, chủ thể OCOP, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng thể hiện sự năng động, sáng tạo của mình. Thay vì phải "tự bơi một mình" như trước đây, họ đã đoàn kết, tương trợ để cùng phát triển, cùng nhau đi lên.
Rõ ràng, với những lợi thế về tự nhiên, Cà Mau có tiềm năng rất lớn để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ hải sản chất lượng cao. Để hiện thực hóa tiềm năng, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm thế mạnh gắn với các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, VietGAP, ứng dụng khoa học - công nghệ tạo ra sản phẩm tiêu biểu, chất lượng đáp ứng thị trường. Khi có đã sản phẩm chất lượng tốt, nhiệm vụ kế tiếp là đẩy mạnh hoạt động truyền thông để đưa sản phẩm vươn xa hơn.
Mỹ Chí