Đến thời điểm này, huyện Than Uyên đã có 20 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), là địa phương có nhiều nhất sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu.
Phát huy giá trị đặc sản
Tháng 10 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Than Uyên đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022.
Than Uyên là địa phương có nhiều nhất sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu. |
Theo đó, tham gia đánh giá, phân hạng đợt này có 6 sản phẩm của 4 chủ thể trên địa bàn huyện Than Uyên, trong đó có 2 sản phẩm của chủ thể HTX là Mật ong Thanh Xuân của HTX nông nghiệp Mường Mít; thịt sấy hương vị truyền thống miền núi Tây Bắc của HTX Minh Thuận, xã Phúc Than.
Qua chấm điểm, thành viên Hội đồng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, sáng tạo, mẫu mã các sản phẩm đẹp mắt, chất lượng đảm bảo và đủ điều kiện tham gia thi cấp tỉnh đợt 2 năm 2022. Tuy nhiên, Hội đồng cũng lưu ý các chủ thể cần xem xét đa dạng hóa việc đóng gói sản phẩm để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cũng như có đầy đủ thông tin cần thiết...
Đến giữa năm 2022, huyện Than Uyên đã có 17 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao đến 4 sao, như: gạo Séng Cù, gạo tẻ tròn, gạo nếp Tan Pỏm Tà Hừa, thịt lợn gác bếp Thiết Hà, ổi Hua Nà, ruốc cá Lăng…
Xác định mục tiêu của sản phẩm OCOP là gia tăng giá trị cho cộng đồng địa phương, trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, UBND huyện Than Uyên giao Phòng NN&PTNT hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể có sản phẩm tham gia đăng ký, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng trình hội đồng các cấp thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hướng dẫn chủ thể, doanh nghiệp, HTX xây dựng phương án kinh doanh, mô hình sản xuất.
Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản tại địa phương; trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, ngày hội văn hóa, sự kiện của tỉnh, huyện. Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; chuẩn hóa sản phẩm thông qua đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn mác; thiết kế website; truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện bao bì, đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện có mặt tại một số thị trường trọng điểm trong và ngoài khu vực. Từ đó, giúp các đơn vị có lượng hàng tiêu thụ nhiều nhất, mang lại giá trị kinh tế cũng như thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm.
Là cơ quan chuyên môn của huyện trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Cụ thể là tập trung quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp bằng nhiều hình thức. Tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, HTX), hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, kết nối cung - cầu các sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ, quầy hàng trưng bày sản phẩm tại điểm du lịch cộng đồng trong và ngoài huyện. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ các thủ tục hành chính giúp các cơ sở khởi nghiệp có đủ điều kiện phát triển thị trường.
Hiện, huyện Than Uyên có 7 doanh nghiệp, HTX thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: lúa Séng cù, gạo Japonica, chè, chanh leo, cây ăn quả… Thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP góp phần mở rộng thị trường, nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Đây là tiền đề để Than Uyên tiếp tục hướng dẫn, xây dựng thành công thêm 10 sản phẩm OCOP trong năm 2022.
Đáng chú ý, sau khi được cấp sao OCOP, các sản phẩm tiếp tục được các chủ thể đầu tư cải thiện hơn về mẫu mã, chất lượng, đồng thời tận dụng các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và mở rộng lượng khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Điển hình như HTX Thiết Hà (thị trấn Than Uyên). Ngay sau khi các sản phẩm thịt lợn và thịt trâu gác bếp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, HTX đã thay đổi mẫu mã bao bì bắt mắt với cách thức bảo quản, sử dụng cụ thể hơn. Song song đó, HTX mở cửa hàng giới thiệu các sản phẩm thịt sấy các loại của HTX cùng nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của huyện, của tỉnh kết hợp với sử dụng TikTok, Fakebook, Zalo, livetream bán hàng.
Ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc HTX Thanh Xuân (thị trấn Than Uyên) cho biết: HTX Thanh Xuân có 4 sản phẩm OCOP. Trong đó sản phẩm gạo Séng Cù đạt 4 sao, còn các sản phẩm: gạo tẻ tròn; gạo nếp Tan Pỏm Tà Hừa, gạo lứt Séng Cù đạt 3 sao. Các sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc cho khách hàng dễ tra cứu thông tin về sản phẩm.
Hiện nay, HTX Thanh Xuân đã và đang đầu tư hoàn thiện hơn về mẫu mã, bao bì sản phẩm giúp các sản phẩm của HTX có thể lên kệ trong các cửa hàng, hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử trên toàn quốc. Bên cạnh đó, HTX còn lập trang web riêng là hoptacxathanhxuan.com để quảng bá sản phẩm của mình. Đồng thời, HTX quảng bá các sản phẩm trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook… giúp người tiêu dùng tiếp cận hơn với các sản phẩm.
Theo đại diện các đơn vị, từ cuối năm 2021 đến nay đã ký kết được nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Trong đó, sản phẩm gạo đặc sản Séng cù Than Uyên (4 sao); thịt trâu, thịt lợn gác bếp Thiết Hà (3 sao) có sản lượng tiêu thụ tăng vượt bậc. Có thời điểm, không đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường, doanh thu đạt cao.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Với những nỗ lực trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới hơn 10 năm qua, tới thời điểm hiện tại, toàn huyện Than Uyên đã có 7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 3 xã đạt 10 - 14 tiêu chí.
Chủ động các giải pháp để thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. |
Theo đó, huyện đã chủ động các giải pháp để thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cụ thể, thời gian qua, huyện Than Uyên tiếp tục thực hiện các đề án chè, quế, mắc ca, sơn tra, phát triển rừng bền vững... Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người các xã trên địa bàn huyện tính đến nay ước đạt 36,35 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tạo nền tảng vững chắc để Than Uyên nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo huyện Than Uyên khẳng định, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền huyện Than Uyên đã xây dựng lộ trình cụ thể, không nóng vội, không chạy theo thành tích. Mục tiêu này được coi là điểm nhấn của nhiệm kỳ 2021 - 2025 mà huyện định hướng cho hành động của Đảng bộ và nhân dân.
Theo đó, đối với 7 xã đã đạt chuẩn, huyện chỉ đạo rà soát kỹ các tiêu chí để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng; xây dựng ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 bản nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng.
Đáng chú ý, để phát huy tiềm năng của địa phương, hàng loạt HTX đã được thành lập và cho thấy những kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có gần 20 HTX, với những điển hình như HTX Thiết Hà, HTX Thanh Xuân, HTX Thanh niên Mường Mít (nuôi cá lồng), HTX Hùa Na (sản xuất gạo an toàn), HTX Mường Than (chăn nuôi lợn)…
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Than Uyên đánh giá trong những năm qua, các HTX là nhân tố quan trọng giúp huyện giải được 2 bài toán khó là tạo việc làm và mở hướng đi mới cho người dân, từng bước xây dựng các mô hình sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả.
Các HTX đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao ý thức của người nông dân trên địa bàn về tầm quan trọng của việc lựa chọn giống, áp dụng các kỹ thuật mới, chú trọng môi trường sinh thái, an toàn lao động trong quá trình sản xuất.
“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác trong việc nâng cao khoa học - kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản thế mạnh, từ đó gia tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho thành viên, người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số”, đại diện Phòng NN&PTNT khẳng định.
Lan Phương