Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có một tiêu chí xây dựng tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nếu tiêu chí này thực hiện tốt sẽ có tác dụng thúc đẩy các tiêu chí khác sớm hoàn thành, là một trong những yếu tố giúp chương trình xây dựng NTM phát triển bền vững hơn.
HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm
Thực tế, nhiều HTX phát huy được vai trò của mình về tập hợp, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết các hộ nông dân với nhau để chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.
Các HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ thành viên (giống, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...), tạo điều kiện cho kinh tế hộ, kinh tế tư nhân phát triển.
HTX Dưa leo quê Lục Nam đang là một điển hình về liên kết chuỗi sản phẩm, giúp gia tăng đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX. |
Một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, giúp người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá mà lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là những hộ nghèo thiếu kinh nghiệm và vốn đầu tư.
Đơn cử như HTX Dưa leo quê Lục Nam, từ khi thành lập HTX vào năm 2020, các hợp đồng tiêu thụ nông sản ngày càng nhiều. Hiện HTX có hợp đồng cung cấp dưa leo với sản lượng 20-30 tấn/ngày cho Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu G.O.C, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang); ký hợp đồng tiêu thụ tại TP Hà Nội cũng như các tỉnh miền Trung...
Mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 7 nghìn tấn nông sản, chủ yếu là dưa leo, khoai tây, khoai sọ, hành... cho người dân trong xã và các địa phương lân cận, trong đó có hơn 50% là dưa leo. HTX đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 5 nghìn m2 nhà màng, nhà lưới cùng khu sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm rộng 2 nghìn m2. Chủ trương được chấp thuận, ngay trong năm nay, HTX sẽ bố trí khoảng 5 tỷ đồng để triển khai.
Ông Đào Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú cho biết, với 250 ha diện tích trồng màu, những năm qua nông dân trong xã đã duy trì hiệu quả các mô hình sản xuất, trong đó có dưa leo. Trước đây, các hộ dân đều phải chủ động tiêu thụ sản phẩm làm ra nên không ổn định.
“Từ khi HTX Dưa leo quê Lục Nam được thành lập, đứng ra tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tình trạng "được mùa rớt giá" đã không còn, đời sống người dân khấm khá hơn", ông Hiền cho biết.
NTM gắn liền với mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị
Một HTX khác cũng được nhắc đến trong câu chuyện liên kết tiêu thụ sản phẩm là HTX Công nghệ cao Trí Yên có tổng diện tích đất canh tác gần 5 ha tại thôn Đức Thành, xã Trí Yên (Yên Dũng), trong đó 3,5 ha nhà màng. Hiện HTX sản xuất các loại dưa có giá trị kinh tế cao (dưa leo, dưa lê, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc), các loại rau và dâu tây. Sản lượng rau, quả các loại của HTX đạt hơn 80 tấn/năm, doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng.
Vải thiều đang là mặt hàng chủ lực của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. |
Ngoài ra, HTX liên kết trồng các loại dưa, rau với 20 HTX ở huyện Yên Dũng để cung ứng cho Công ty cổ phần Lotus Farm bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc mỗi ngày 1 tấn rau, quả các loại. Năm nay, HTX trồng thêm 2 ha chuối tiêu hồng tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) và 3 ha rau, quả tại xã Đồng Việt (Yên Dũng).
Ông Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX Công nghệ cao Trí Yên cho biết, để có sản phẩm an toàn, đơn vị yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP. Nguồn nước tưới cho cây trồng bảo đảm sạch; diện tích sản xuất không nằm cạnh khu giết mổ động vật; ưu tiên bón phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học, nếu dùng phân hóa học phải rõ nguồn gốc và chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.
Mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm như hai HTX trên đang mở ra hướng đi mới cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 641 Hợp tác xã (HTX) nông, lâm nghiệp và HTX thủy sản với 10.722 thành viên, chiếm số lượng lớn trong tổng số HTX toàn tỉnh, riêng 6 tháng đầu năm có 31 HTX được thành lập mới.
Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp thanh niên Lục Nam; HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, Hiệp Hòa; HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, Việt Yên; HTX nông nghiệp Thanh Hải, Lục Ngạn; HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, Tân Yên; HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú, Yên Thế…
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu trong thời gian tới hoàn thành phát triển 10 mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến 2025, tối thiểu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp.
Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới có ít nhất 01 HTX là những mô hình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Gia Anh