![]() |
Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đổi mới tổ chức sản xuất, đầu tư đúng hướng, khuyến khích HTX phát triển, năm 2021 xã Tân Cương đã được lựa chọn xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của Tp.Thái Nguyên, mở ra cơ hội và hướng phát triển mới cho vùng đất này.
Liên kết vùng sản xuất nông nghiệp
Về Tân Cương - nơi được xem là “đệ nhất danh trà” Thái Nguyên, chứng kiến cuộc sống ấm no của người dân, mới thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào NTM. Nhiều nông dân trồng chè đã có thu nhập hàng tỷ đồng trên chính mảnh đất của mình.
![]() |
Vùng chè của Tân Cương cho giá trị kinh tế ngày càng cao. |
Cụ thể, giá trị sản phẩm chè búp tươi trên 1ha đất trồng bình quân đạt 274 triệu đồng. Đặc biệt, đối với chè đặc sản, giá trị sản phẩm sau chế biến trên cùng 1 đơn vị diện tích lên tới 600 - 700 triệu đồng.
Ngoài việc phát triển hạ tầng kinh tế, thông qua các chương trình dự án, mô hình, HTX chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp Tân Cương, từ đó hình thành những chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nằm ở trung tâm của vùng chè Tân Cương, nhiều năm nay, HTX chè Hảo Đạt (xóm Nam Đồng) đã liên kết chế biến chè truyền thống, chắp cánh đặc sản chè chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào cùng kinh nghiệm làm chè truyền thống lâu năm, HTX Hảo Đạt đã kết hợp phương pháp truyền thống và khoa học, kỹ thuật hiện đại tạo nên các dòng sản phẩm chè an toàn chất lượng cao với hương vị đặc biệt mà không ở đâu có được.
Đến nay, HTX chè Hảo Đạt đã có 30 thành viên chính thức và 50 hộ liên kết với số vốn điều lệ là 3 tỷ đồng. Không những vậy, HTX còn tạo việc làm cho hơn 50 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo của địa phương.
Ngoài ra, HTX còn bao tiêu sản phẩm chè búp tươi của các tổ hợp tác trên địa bàn xã Tân Cương và vùng lân cận đáp ứng đủ các tiêu chí VietGAP khoảng 650 tấn/năm. Đáng mừng, năm nay, chè tôm nõn của HTX đã được đánh giá xếp hạng OCOP 5 sao (sản phẩm Quốc gia) tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, khai thác thế mạnh địa phương.
Bên cạnh nghề truyền thống trên những đồi chè, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất, HTX đã mở thêm dịch vụ đón khách tham quan, lưu trú tạo thành khu du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa trà độc đáo. Một số mô hình tiêu biểu như: HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, cơ sở sản xuất chè Phúc Kim, cơ sở sản xuất chè Nghìn Hạnh…
Thực tế cho thấy các mô hình HTX nông nghiệp, cơ sở sản xuất đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, tạo “cú hích” thúc đẩy quá trình NTN Tân Cương kiểu mẫu.
Phấn đấu xã NTM kiểu mẫu
Nhớ lại những năm đầu xây dựng NTM, ông Nguyễn Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết, thời điểm đó người dân cứ ngỡ xây dựng NTM là một dự án của Trung ương, do ngân sách hỗ trợ 100%. Trải qua thời gian vận động liên tục, bà con mới hiểu bản chất về quá trình xây dựng NTM, nhân dân là chủ thể, Nhà nước hỗ trợ một phần. Khi đã hiểu vấn đề, người dân tích cực hiến đất, tài sản, hiến kế đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM ở địa phương.
![]() |
Phụ nữ xã Tân Cương hưởng ứng Cuộc Vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” phấn đấu mục tiêu NTM kiểu mẫu. |
Hơn 5 năm về đích NTM, giờ đây Tân Cương đã mang một diện mạo ấn tượng, sự chuyển mình không chỉ dừng lại ở hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, khang trang, xanh, sạch, đẹp mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Lãnh đạo xã cho biết, Tân Cương là vùng đất nông nghiệp miền núi, có tới 43% người dân là đồng bào công giáo, việc xây dựng NTM ở Tân Cương có nhiều đặc thù nhưng chủ yếu đến từ sự đoàn kết và phát huy nền tảng văn hóa.
Vì thế, xã đang nỗ lực đầu tư xây dựng, đổi mới các thiết chế văn hóa. Trong đó, những nhà văn hóa xóm không còn phù hợp về quy mô và diện tích sẽ được xây mới, sửa chữa, nâng cấp và mở rộng, đồng thời mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa.
Bên cạnh đó, Tân Cương sẽ đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị khu thể thao, giải trí cho người già, trẻ em tại nhà văn hóa trung tâm xã. Mục tiêu hướng tới mỗi xóm phải thành lập được ít nhất một đội văn nghệ và một đội thể thao, tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu để tạo phong trào sâu rộng, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân…
Trong giai đoạn 2015-2020, UBND xã đã triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống văn hóa. Qua khảo sát, đánh giá đến nay, 12/12 thôn của xã đạt thôn văn hóa, hơn 95% đạt gia đình văn hóa, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người trên 48 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn dưới 1%.
“Bước vào cuối quý III/2021, chúng tôi đang nỗ lực triển khai các hạng mục công trình để kịp hoàn thành các tiêu chí theo đúng tiến độ. Mặc dù, dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp gây ra không ít khó khăn, song với sự đồng lòng vượt khó của nhân dân, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương, chúng tôi tin tưởng công cuộc phấn đấu đích NTM kiểu mẫu sẽ hoàn thành theo kế hoạch”, Chủ tịch UBND xã Tân Cương Nguyễn Ngọc Tân chia sẻ.
Huyền Thương