Đầu tháng 10 vừa qua, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum đã tổ chức hội nghị công bố và trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1 năm 2022.
Tạo bước chuyển cả về chất và lượng
Theo đó, trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP này có 9 sản phẩm của 6 chủ thể là các HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP Kon Tum, huyện Đăk Glei và huyện Sa Thầy đăng ký tham gia. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng thuộc các nhóm sản phẩm: đồ uống; thực phẩm; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu… Trong đó, chủ thể là HTX gồm cao sâm dây Ngọc Linh của HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei (huyện Đăk Glei); bơ 034 của HTX Thái Thanh (huyện Sa Thầy).
Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 350 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (Ảnh: Int) |
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tổ chức chấm điểm và kết luận 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Hầu hết các sản phẩm đều trải qua quá trình sản xuất, bán ra thị trường được 1-3 năm và được người tiêu dùng ghi nhận, đánh giá tốt.
Ông Nguyễn Duy Lơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thái Thanh (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cho biết, HTX thành lập từ tháng 12/2019 với 7 thành viên cùng hơn 20 lao động thường xuyên, sản xuất kinh doanh trái cây với quy mô diện tích 18ha sầu riêng Muangthong, 5ha mít Thái và 9ha bơ 034, bơ Boot. Quy trình trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái được thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, diện tích trồng cây sầu riêng và cây bơ đang bước vào vụ thu hoạch năm thứ hai. Các loại trái cây đang được tiêu thụ tại thị trường TP Kon Tum, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và TP Hà Nội.
HTX Thái Thanh cũng đang làm việc với một doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp tại TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) mua cây giống để mở rộng thêm diện tích sản xuất tại địa phương.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Ngô Quang Quyết cho biết, sản phẩm cao sâm dây Ngọc Linh của HTX Thương mại và dịch vụ Đăk Glei đã sản xuất và bán ra thị trường từ năm 2020. Để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này, HTX đã kết nối với người dân ở xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh cung ứng nguồn nguyên liệu sâm dây ổn định, đầu tư 1 máy sấy và 2 nồi nấu cao với kinh phí trên 150 triệu đồng, đồng thời thiết kế bao bì, giới thiệu, trưng bày và bán trên các sàn giao dịch điện tử, các hội chợ, cửa hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng ở các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum nhận xét, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2022 đều chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu tư dây chuyền chế biến và đóng gói tại chỗ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, có mẫu mã bao bì hiện đại và thị trường tiêu thụ ổn định. Việc chủ động nghiên cứu, mở rộng quy mô sản xuất và tạo ra các sản phẩm mới, các chủ thể có thêm kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, mở rộng được nguồn hàng và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy cạnh tranh, đa dạng hàng hóa và góp phần triển khai hiệu quả Chương trình OCOP tại địa phương.
“Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể là doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh ở các địa phương đã chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu, đầu tư máy móc, chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của mình”, lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum khẳng định.
Tăng tốc để về đích
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2018 đến tháng 9/2022, toàn tỉnh Kon Tum đã có 295 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sau 6 đợt tổ chức bình chọn, phân hạng, kết quả, đã có 157 sản phẩm OCOP của 83 chủ thể được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá, 15 sản phẩm 4 sao và 135 sản phẩm 3 sao.
Các HTX phát huy thế mạnh của các đặc sản để xây dựng sản phẩm OCOP (Ảnh: TL) |
Với những kết quả đã đạt được, OCOP tiếp tục được xác định là Chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022- 2025. Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 350 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2022-2025, việc phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với việc xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi ngày càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, để thu nhập của người nông dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Đồng thời, thông qua phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cũng giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Để thực hiện được những mục tiêu nêu này, ngành nông nghiệp của tỉnh và các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị. Đồng thời, sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa của từng địa phương và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa…
Theo thống kê, đến tháng 4/2022, toàn tỉnh Kon Tum đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn từ 15-18 tiêu chí, 29 xã đạt chuẩn từ 10-14 tiêu chí, 1 xã đạt chuẩn 8 tiêu chí, không còn xã đạt chuẩn dưới 8 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 16,15 tiêu chí, tăng 1,35 tiêu chí so với năm 2020; đã có 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 7 thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 thôn nông thôn mới.
Mục tiêu cụ thể tỉnh Kon Tum đề ra là phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất từ 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; với các xã chưa đạt chuẩn, bình quân mỗi năm tăng từ 2 tiêu chí trở lên/xã; tiếp tục xây dựng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…
Trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum yêu cầu mỗi ngành, mỗi địa phương đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huy động các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các xã hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; bổ sung vốn tín dụng cho hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tăng cường hỗ trợ cho vay phát triển Chương trình OCOP, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp.
Đáng chú ý, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác tiếp tục được tỉnh Kon Tum quan tâm hỗ trợ phát triển, từ đó đóng góp tích cực vào việc hoàn thành và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Kon Tum có 210 tổ hợp tác với 2.195 thành viên, 195 HTX với 9.733 thành viên và 11 Liên hiệp HTX với 14 thành viên; tổng vốn điều lệ của các HTX đạt 273 tỷ đồng. Các HTX đã tạo việc làm, đem lại thu nhập cho lao động thường xuyên khoảng 47 triệu đồng/ người/năm.
Năm 2022, tỉnh phấn đấu vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới từ 30 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 20 tổ hợp tác với 9.950 thành viên HTX, 2.300 thành viên tổ hợp tác. Doanh thu bình quân của HTX khoảng 2.650 triệu đồng/HTX/năm, doanh thu bình quân tổ hợp tác khoảng 192 triệu đồng/tổ hợp tác/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 50 triệu đồng/năm...
Đức Nguyễn