Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu với Thời báo Kinh Doanh bên lề Hội nghị công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020 vừa được Liên minh HTX Việt Nam tổ chức.
Ông Trần Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu |
Trong 6 tháng đầu năm 2020, miền Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng "kép" bởi đại dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn, các HTX ở Bạc Liêu gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Bạc Liêu may mắn ít chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn hơn so với Sóc Trăng, Cà Mau. Hơn nữa, Bạc Liêu cũng ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sau đại dịch, Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu đã gặp gỡ đối thoại với một số HTX ở các huyện như huyện Phước Long, huyện Hồng Dân, gặp gỡ thành viên HTX ngành vận tải, công nghệ cao để nghe tiếng nói của các thành viên gặp những khó khăn gì.
Theo đó, hiện các HTX ở Bạc Liêu đang gặp khó khăn về con giống, vật tư chưa đồng nhất, chưa có tiếng nói chung. Bên cạnh đó, các HTX thiếu nguồn lực quản lý, bởi sắp tới định hướng phát triển các HTX ứng dụng công nghệ cao cần có đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp, đội ngũ này phải đưa ra được các dự báo trước sự biến đổi của thời tiết, khí hậu nếu không sẽ dẫn đến rủi ro khá lớn.
Đồng thời, các HTX ở Bạc Liêu gặp khó khăn về vấn đề thuê đất đai. Có một số HTX muốn mở rộng quy mô đất đai sản xuất, đề xuất với tỉnh, nhưng hiện nay, tỉnh chưa quyết định cho HTX thuê đất, hoặc có cho thuê thì thời gian giao đất cũng chậm.
Thêm nữa, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn còn gặp nhiều lúng túng, bởi sau đại dịch Covid-19, người thu mua không xúc tiến đầu ra sản phẩm, khiến hàng hoá sản xuất ra nhiều nhưng tiêu thụ không hết, tồn đọng hàng. Khó khăn này hiện chưa được tháo gỡ.
Ngoài ra, các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của Chính phủ đã đúng, trúng rồi, nhưng quy trình và các bước lập hồ sơ đang gặp khó khăn, bởi có những yêu cầu vấn đề kiểm toán, thu chi. Việc này đặt ra đúng theo quy định nhưng tính chuyên nghiệp của HTX chưa kịp thời.
Có thể nói, các đề án mà Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu thực hiện nếu được tháo gỡ và hỗ trợ về chính sách đất đai, thuế, nguồn lực lao động, vốn, đầu vào – đầu ra… thì các HTX trên địa bàn sẽ có cơ hội tốt hơn.
Bạc Liêu là tỉnh có lợi thế phát triển các sản phẩm nông - thuỷ sản. Các HTX tận dụng những lợi thế này như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, theo xu hướng phát triển của các tỉnh Nam Bộ xác định 5 trụ cột phát triển chính: giáo dục, y tế, nông nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao, kinh tế biển... Các HTX hoạt động bám vào định hướng các trụ cột này.
Ở Bạc Liêu hiện đang phát triển nuôi tôm công nghệ cao và trồng giống lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, phát triển nuôi tôm an toàn, cùng với phát triển du lịch cung ứng ăn theo.
Toàn tỉnh Bạc Liêu đang có 6 HTX nuôi tôm công nghệ cao. |
Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có 6 HTX nuôi tôm công nghệ cao trên tổng diện tích trên dưới 500 ha như HTX Long Điền, HTX Vĩnh Hậu, HTX Artemia Vĩnh Châu… Các HTX này nuôi theo vành đai biển tập trung, sản lượng chi tiết đầu vào, đầu ra đều có lời. Ngoài theo đi theo mô hình này phát triển thêm tổ hợp tác, nhưng đầu ra sản phẩm tôm an toàn, là vệ tinh cung ứng nguồn cho các đơn vị kia.
Sản lượng tôm ở Bạc Liêu xuất khẩu nhiều năm chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu xuất khẩu, bên cạnh đó một số doanh nghiệp thu mua chế biến sơ chế cung ứng nguồn cho các tỉnh khác như Cà Mau, Sóc Trăng, Tp.HCM.
Bạc Liêu là thủ phủ trung tâm nuôi tôm công nghệ cao, lúa chất lượng cao, tuy nhiên tôm chưa có dự án động lực, đầu tư, chưa có liên kết ngoài, liên kết trong. Theo định hướng thời gian tới, tại Bạc Liêu sẽ thành lập Liên hiệp HTX tôm Bạc Liêu…
Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu có những kiến nghị đề xuất gì với Liên minh HTX Việt Nam và các cơ quan ban ngành khác, thưa ông?
- Trước tiên, Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu có kiến nghị về đất đai, đề xuất tỉnh Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn về thuê đất. Đề xuất với Liên minh HTX Việt Nam đàm phán, trao đổi đặt ra định hướng, áp dụng đầu tư một số dự án vùng, trung tâm thủ phủ nuôi tôm công nghệ cao sẽ tạo được thế mạnh đồng bộ.
Đặc biệt, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ tỉnh xây dựng các sản phẩm thương hiệu mạnh có tính chất vùng, quốc gia, sẵn sàng xây dựng mô hình chung liên kết chuỗi với cả nước, đáp ứng xây dựng thương hiệu của Liên minh HTX Việt Nam để mang sản phẩm đi xa và đi ra "sân chơi" lớn.
Về vốn tín dụng đối với HTX và thành viên, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục kiến nghị Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương cần mở rộng cho các HTX vay để bổ sung vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, đề nghị các ban ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá một số mặt hàng thủy sản, muối và con giống để các HTX, tổ hợp tác yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh cũng đã có báo cáo Liên minh HTX Việt Nam giúp Bạc Liêu đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp, tinh thông về kinh nghiệp quản lý, kiến thức.
Minh Trang - Thuỳ Linh thực hiện