Kinh tế của người dân trong huyện Cầu Ngang chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi thủy sản và dịch vụ.
Nâng thu nhập từ tái cơ cấu sản xuất
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với phát triển các mô hình kinh tế tập thể, đến nay, huyện đã thực hiện hoàn thành 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân hiện đạt trên 62 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2.328 hộ, chiếm 6,21% so với tổng số hộ dân cư; trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer 1.553 hộ, chiếm 66,75% so với tổng số hộ nghèo.
Điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả phải kể đến HTX nông nghiệp Ngọc Thạch (xã Nhị Trường). Nhằm giúp người dân đa dạng cây trồng, nâng cao thu nhập, HTX đứng ra cung ứng cây, con giống, nhất là các loại giống rau màu như: ớt, bầu, bí, cà tím, cà chua,…
Ngoài ra, HTX còn cung cấp vật tư nông nghiệp và hướng dẫn cách chăm sóc phòng trừ các loại bệnh trên cây màu, vì đây đều là những cây trồng mới ở đất Nhị Trường. HTX còn liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản của người dân và thành viên với giá cả hợp lý.
HTX Ngọc Thạch ứng dụng công nghệ vào sản xuất giống cây trồng để hỗ trợ người dân tái cơ cấu nông nghiệp. |
Anh Thạch Rắc Sa Mây, người sử dụng các dịch vụ của HTX cho biết, so với tập trung trồng lúa như trước đây, trồng ớt và rau màu cho thu nhập cao hơn hẳn. Cụ thể là ớt thì sử dụng giống mới, cho năng suất đạt 3 tấn trái/công. HTX cũng mua giá cao hơn bên ngoài 300-500 đồng/kg nên lợi nhuận cao hơn.
“HTX Ngọc Thạch đang giúp các hộ dân phá thế độc canh cây lúa sang trồng thâm canh cây màu, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, tổng lợi nhuận có thể đạt từ 100 - 120 triệu đồng/năm/0,5ha”, anh Mây nói.
Không chỉ HTX Ngọc Thạch mà hiện nay hầu hết các HTX trên địa bàn huyện Cầu Ngang đều thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp. Theo thống kê, huyện đã thành lập 22 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, đều hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Trong đó, xã Mỹ Long Nam và Hiệp Mỹ Tây mỗi xã có 2 HTX, xã Nhị Trường có 3 HTX, xã Long Sơn có 5 HTX. Các xã Hiệp Mỹ Đông, Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa, Trường Thọ, Kim Hòa, Hiệp Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Thuận Hòa có 1 HTX.
Các HTX này đã và đang triển khai hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các HTX cũng đẩy mạnh hỗ trợ người dân, thành viên kỹ thuật thâm canh, đa canh và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa.
Nhờ đó, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao diện tích 11.420ha ở các xã Nhị Trường, Trường Thọ, Hiệp Hòa…; vùng sản xuất đậu phộng diện tích 2.400ha ở các xã Mỹ Long Bắc, Long Sơn, Hiệp Hòa..; vùng sản xuất dưa hấu diện tích 500ha ở các xã Long Sơn, Vinh Kim, Mỹ Long Bắc; vùng sản xuất tôm diện tích 4.280ha ở các xã Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam…
Đời sống của người dân cũng ngày càng ổn định. Đặc biệt là người dân ở những xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào Khmer như Hiệp Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ, Kim Hòa… đã không ngừng ổn định kinh tế, tăng thu nhập, xây dựng thành công nông thôn mới. Và điểm nhấn ở các địa phương này là đều có HTX đứng ra hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Hướng đến đích cuối năm
Theo đánh giá của UBND huyện Cầu Ngang, với thế mạnh về tài nguyên biển, đất đai, cùng với việc nhận ra vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX, kinh tế của huyện không ngừng tăng trưởng và phát triển.
Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương, huyện cơ bản phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông góp phần tạo thuận lợi cho người dân, thành viên HTX đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản. Đây cũng là nền tảng để các vùng sản xuất hàng hóa có diện tích lớn của huyện liên kết được với các doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị.
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn huyện được quan tâm chú trọng, góp phần giải quyết việc làm cho 2.320 lao động, đạt 80% kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế tập thể, HTX đều được huyện chú trọng nhằm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo mục tiêu đặt ra, đến cuối năm 2022, huyện sẽ hoàn thiện tất cả các tiêu chí để về đích nông thôn mới. Để làm được điều này, Cầu Ngang đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ các HTX sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa nhằm thúc đẩy kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.
Theo đại diện UBND huyện, dù cuối năm 2022 có hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới hay không, huyện cũng sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khoa học- công nghệ cho lao động nông thôn về sản xuất, thâm canh cây trồng, vật nuôi.
Song song đó, các địa phương sẽ mở rộng thêm các các mô hình HTX sản xuất hiệu quả, tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện và tiềm năng tại các địa phương nhằm tạo những sản phẩm có chất lượng, an toàn phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao các tiêu chí.
Tùng Lâm